Giảm cả về lượng và giá
Trong những ngày qua, theo khảo sát của phóng viên Dân Việt tại một số khu chợ có bán nhiều vải thiều ở các xã của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) như phố Kim, thị trấn Chũ… hoạt động buôn bán vải thiều vẫn diễn ra rất nhộn nhịp. Tuy nhiên, năm nay số lượng các thương lái Trung Quốc đổ xô về thu mua vải thiều đã giảm đi đáng kể so với các năm trước, thay vào đó là các thương lái nội địa chiếm đa số.
Vừa chở vải ra phố Kim của xã Phượng Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang), đang dựng xe chờ đến lượt cân vải, ông Đinh Văn Nhuận cho biết: "Năm nay vải thiều được mùa sai quả lắm, còn về giá cả so với các năm trước đây thì giảm nhiều quá nên nông dân chúng tôi cũng không phấn khởi lắm".
“Dù giá vải có lúc xuống còn dưới 10.000 đồng/kg, song có điều là cũng dễ bán, như vải nhà tôi thuộc hàng đẹp bán giá từ 8.000 đồng/kg đến 10.000 đồng/kg, cứ chở ra chuyến nào là hết chuyến đấy không phải ngồi bán lẻ đâu”, ông Thuận chia sẻ thêm.
Vải thiều loại 1 năm nay được thương lái thu mua với giá trên 10.000đồng/kg
Nhà có trồng hơn 2 mẫu vải, anh Leo Văn Năm ở thôn Hai Cũ, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) cho hay: Năm nay, thương lái Trung Quốc sang thu mua giảm nhiều so với các năm trước, từ đầu vụ đến giờ tôi mới cân cho họ được có 2 chuyến, còn lại vẫn bán vải chủ yếu cho thương lái nội địa ở miền Trung và miền Nam là nhiều. “Thương lái Việt họ mua chủ yếu mang về sấy nên giá khá rẻ chỉ từ 7.000 đồng/kg đến 10.000 đồng/kg vải thiều tùy loại. Nhưng có bao nhiêu vải họ cũng cân hết nên nông dân cũng không lo ế”, anh Năm tiết lộ.
Khảo sát tại các khu chợ có bán nhiều vải thiều như phố Kim (Phượng Sơn), thị trấn Chũ…Chúng tôi cũng thấy khá ít sự xuất hiện của các thương lái Trung Quốc thu mua vải thiều. Trao đổi với bà Hồng - một đầu mối lớn thu mua vải bán cho thương lái Trung Quốc tại tuyến phố Kim (Phượng Sơn), chúng tôi được bà cho biết: "Năm nay không chỉ có giá vải giảm sâu mà sản lượng cũng giảm chỉ bằng 1/3 của năm 2013. Ví như, vụ vải năm 2013, mỗi ngày cửa hàng của tôi đóng vải cho 20 đến 30 xe tải hàng sang Trung Quốc thì năm nay mỗi ngày cố gắng lắm cũng chỉ được 1 đến 3 xe với mỗi xe trên 10 tấn là khá lắm rồi".
Do trùng vụ với Trung Quốc
Lý giải nguyên nhân về tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua vải giảm, bà Hồng cho hay: Như các năm trước đây, vụ vải sớm của Việt Nam vào mùa muộn hơn phía Trung Quốc, nên vải của mình lúc đó là độc tôn, thương lái đua nhau sang thu mua cho nông dân mình thì năm nay, vụ vải của ta lại trùng với vụ vải bên đó nên thương lái họ không còn tha thiết như trước nữa. “Tuy nhiên, theo tôi được biết là vải của Trung Quốc tuy năm nay được mùa nhưng chất lượng ăn không ngon bằng vải của Lục Ngạn nên một số thương lái truyền thống của tôi vẫn tìm về thu mua, nhưng họ lại chọn hàng khá kỹ lưỡng không giống mua hàng hỗn tạp như các năm trước đâu”, bà Hồng nhấn mạnh.
Thay vì thu mua vải mang đi Trung Quốc bán như các năm trước đây, năm nay anh Nguyễn Hữu Chung - chủ một đầu mối thu mua vải thiều lớn ở xã Phượng Sơn lại mang hàng sang bên thủ đô Viên Chăn (Lào) để bán. Chia sẻ việc làm ăn, anh Chung bảo: “Từ đầu vụ, tôi cũng đã xuất được 3 chuyến sang Trung Quốc bán nhưng toàn bị lỗ cả. Vừa qua, tôi mới bắt mối được 1 bạn hàng ở phía nước Lào nên mang sang đó bán, được thuận lợi là thị trường bên Lào cũng được giá và ổn định lắm, nên cứ thu mua được bao nhiêu là tôi đưa sang đó bán hết”.
Một cửa hàng đầu mối thu mua vải cho người Trung Quốc (đứng giữa).
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Kinh tế huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho hay: So với mùa vụ 2013, vụ mùa 2014 này, sản lượng vải thiều của Lục Ngạn tăng lên khoảng gần 20.000 tấn. Tuy nhiên, về giá vải năm nay cũng giảm khá nhiều so với các năm trước. Cụ thể, vải loại 1 mới bán được với giá trên 10.000 đồng/kg, còn vải loại 2 và 3 có thể xuống tới dưới 10.000 đồng/kg. So với năm 2013, giá vải giảm đi khoảng 5.000 đến 6.000đồng/kg.
.. Cảnh mua bán diễn ra tấp nập tại các khu chợ ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang).
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Hà phân tích: Nhìn chung năm nay, vải của Lục Ngạn trùng với vụ vải của Trung Quốc nên lượng thương lái bên đó sang thu mua giảm nhiều. “Tính đến giữa tháng 6.2014, theo thống kê thì trên địa bàn huyện có gần 300 người Trung Quốc đăng ký tạm trú để thu mua vải, ít hơn so với năm 2013 tầm gần 50 người. Toàn huyện có trên 600 điểm cân thu mua vải, trong đó, có 80 điểm cân có người Trung Quốc thu mua, có 340 điểm cân trên 8 tấn/ngày.
Theo ông Hà, điểm đáng chú ý năm nay là ngoài thị trường Trung Quốc ra, vải thiều của Lục Ngạn bắt đầu tìm kiếm được thêm một số thị trường mới như Lào, Campuchia, Nhật Bản… Tuy sản lượng cung cấp cho thị trường các nước trên còn khá ít nhưng cho thấy đây là cơ hội tìm kiếm thị trường ổn định cho vải của huyện nhà.