Chiều 20.6, Hội thảo “Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử” đã diễn ra phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Triển vọng giải quyết tranh chấp Hoàng Sa - Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Bên lề hội thảo, Giáo sư, Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ - Châu Á, ĐH Luật New York (Mỹ) Jerome Cohen và Giáo sư Erik Franckx, Đại học Tự do Brussel - Bỉ, Thành viên Tòa trọng tài thường trực đã dành thời gian trả lời các câu hỏi của báo chí.
Liệu có rủi ro nào nếu Việt Nam khởi kiện việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 ra toà án quốc tế?
- Giáo sư Jerome Cohen:
Có rất nhiều có chế để giải quyết vấn đề tranh chấp, kiện tụng giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, nếu vụ việc liên quan đến vấn đề chủ quyền của một quốc gia thì chỉ có thể đưa vụ kiện ra Toà án Công lý Quốc tế. Nhưng, cần lưu ý một đặc điểm của Toà án Công lý Quốc tế. Đó là vụ kiện chỉ được chấp nhận khi có sự chấp thuận của cả hai bên.
Vì vậy, tôi cho rằng, nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc và được Toà án Công lý Quốc tế chấp thuận thì khả năng là rất thấp, bởi Trung Quốc có thể tuyên bố không đồng ý, không chấp thuận vụ kiện.
Tuy nhiên, chúng ta có thể giải quyết vấn đề hiện nay dựa trên các công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển…
Theo tôi, Trung Quốc cũng là thành viên đã ký kết tham gia Công ước về Luật Biển năm 1982, vì vậy Trung Quốc phải tuân thủ các quy định và tuân thủ theo những phán quyết của Toà trọng tài quốc tế về Luật Biển.
Hoặc, chúng ta có thể giải quyết theo hướng khác. Tôi nghĩ các quốc gia trong khu vực châu Á có thể thành lập toà khu vực, để giải quyết các vấn đề liên quan đến khu vực mình
- Giáo sư Erik Franckx:
Về vấn đề Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam có thể lựa chọn nhiều cơ chế khác nhau để giải quyết.
Tôi ví dụ, như trong trường hợp ở đây, các bạn có thể chọn một vấn đề giống như cách Philippines đang làm, như việc đề nghị Trung Quốc làm rõ về Đường 9 đoạn.
Bởi thực tế, Trung Quốc có quyền, có thể tự loại mình ra khỏi những ràng buộc nếu các bạn khởi kiện ra toà án quốc tế. Đây là việc bình thường. Trung Quốc có thể nói vấn đề này là vấn đề loại trừ…. Hay tình huống xấu nhất toà án quốc tế sẽ nói “Không đủ thẩm quyền để giải quyết”….
Theo tôi, dù kết quả có thể nào, dù có xấu nhất thì các bạn cũng đã thành công. Bởi thách thức thì rất nhiều, nhưng đây là cơ hội để các bạn trình bày quan điểm của mình. Qua đó để thuyết phục và nhận sự ủng hộ của công luận. Giải quyết bằng đàm phán, hoà bình luôn là giải pháp văn minh, thông minh.
Rõ ràng Trung Quốc đang vi phạm Công ước về Luật Biển của Liên Hợp quốc, đang lờ đi sự lên án của công luận quốc tế. Tuy nhiên mới đây, Trung Quốc lại gửi một bản báo cáo lên LHQ, vô lý cáo buộc Việt Nam xâm phạm chủ quyền và gây ảnh hưởng đến hoạt động khoan dầu hợp pháp (?) của một công ty Trung Quốc ở Biển Đông. Ông nghĩ gì về động thái này của Trung Quốc?
- Giáo sư Jerome Cohen:
Theo tôi, việc làm của Trung Quốc mới đây khi gửi bản báo cáo lên LHQ cho rằng “Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã tiến hành các hoạt động địa chấn, khảo sát địa chất trong khu vực này suốt 10 năm qua và hoạt động khoan dầu lần này là “sự nối tiếp quá trình thăm dò bình thường trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc” chỉ là muốn thể hiện lòng tin của mình với cộng đồng quốc tế.
Mặt khác, động thái đó cho thấy, Trung Quốc không hề muốn vụ việc của mình do một bên thứ ba xử lý.
Ít ra qua việc này, có thể thấy, Trung Quốc đã có phản hồi trước việc lên án của Việt Nam và quốc tế. Có thể nghĩ, họ đang tự biện hộ cho chính mình.
Tóm lại, theo quan điểm của tôi, biện pháp pháp lý vẫn là biện pháp văn minh nhất. Ví vui “Chạy đua vụ kiện tốt hơn nhiều so với chạy đua vũ khí”.