Chủ nhân của ngôi nhà cổ có tuổi đời gần 200 năm nhà là ông Nguyễn Xuân Cúc, nguyên là cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình. Theo ông Cúc, ngôi nhà này được bác ruột ông mua lại từ con cháu của vị quan đại thần triều Nguyễn ở huyện Quảng Ninh với giá 200 đồng Đông Dương rồi tháo toàn bộ đem ra vị trí hiện nay để dựng lại từ năm 1932.
Ông Cúc khẳng định, chủ cũ của ngôi nhà này là ông Hoàng Kim Xán, người từng giữ chức Bố chánh tỉnh Khánh Hòa dưới thời vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh) và Minh Mạng. Con ruột của ông Xán chính là Đại thần Hoàng Kế Viêm, con rể vua Minh Mạng, từng giữ chức Lang Trung Bộ lại, Thượng Thư trong triều đình dưới thời các vua Thiệu Trị, Tự Đức, Hàm Nghi... và sau này là người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trước khi về quê ở Văn La (xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh) nghỉ hưu, ông Hoàng Kim Xán khi ấy đã cho xây dựng căn nhà này cùng với hai ngôi nhà phụ khác. Tất cả có 3 gian nhà và về sau đã được ông nội ông Cúc mua lại từ con cháu của vị quan này. Trong ảnh: Tấm biển gỗ có tuổi đời gần 200 năm ghi 3 chữ "Lạc Thiện Đường", nghĩa là nơi an lạc của những người có thiện tâm.
Bao phủ ngôi nhà là hệ thống tường được xây bằng đá ong, trộn vữa từ mật mía xỉ đá, cát. Những bức tường dày tới nửa mét giúp ngôi nhà thêm kiên cố và có tác dụng cách nhiệt rất tốt.
Theo thống kê, ở xã Quảng Hòa vẫn còn tồn tại hàng trăm ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm. Tuy nhiên, do không được người dân gìn giữ bảo quản cộng với thiên tai, lụt bão nên nhiều ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng vè bị người dân phá bỏ.
Theo ông Nguyễn Xuân Cúc, ngôi nhà mà ông đang ở đã được một ông chủ đến định giá và hỏi mua với giá 3 tỷ đồng nhưng ông quyết không bán mà muốn để lại cho con cháu đời sau. Trong ảnh: Ông Cúc bên bức bình phong được xây từ năm 1932.