Dân Việt

Cúng âm hồn ngày Thất thủ kinh đô Huế

Nguyễn Anh Tuấn 23/06/2014 15:11 GMT+7
Không đâu trên đất nước Việt Nam có một lễ cúng âm hồn (còn gọi là cúng cô hồn) quy mô lớn như ở Huế, từ các miếu, đàn, chùa cho đến từng nhà dân. Người người bày tỏ lòng biết ơn, thương cảm đến hàng ngàn chiến sỹ, nhân dân hy sinh vì biến cố của dân tộc.

Đó là biến cố xảy ra vào ngày 23.5 năm Ất Dậu (1885), thực dân Pháp tàn sát hàng ngàn người dân Thành Nội Huế sau cuộc chống trả bất thành của Tôn Thất Thuyết và quân đội nhà Nguyễn. Hàng chục ngàn quân, dân đã ngã xuống, không nhà nào không có người hy sinh, một vết đen, một bi kịch tang thương trong lịch sử dân tộc.

Câu văn tế trong lễ cúng kể rõ :
Lô nhô trẻ dìu già, ông dắt cháu, chân còn đi đầu gục lìa vai

Lao nhỏ con khóc mẹ, vợ kêu chồng, tiếng chưa ngớt xương đã chất đống.

img Lễ tế tại Miếu âm hồn, phường Thuận Lộc, TP Huế.

Kể từ sau biến cố đến nay, hàng năm, người dân Huế đều tổ chức lễ cúng âm hồn để tưởng nhớ, cầu siêu cho vong linh các tướng sĩ trận vong, nhân dân nạn vong ngày Thất thủ kinh đô Huế. Dù trải qua nhiều thăng trầm biến cố của lịch sử, lễ cũng âm hồn vẫn giữ được giá trị bản sắc dân tộc.

Theo các tài liệu nghiên cứu, lễ cúng âm hồn tuỳ theo mỗi địa điểm, mỗi gia đình mà được tổ chức trong một ngày hoặc kéo dài đến một tuần, phần lễ chính vẫn được diễn ra trong ngày 23.5 (Âm lịch), gồm lễ cầu siêu và dâng hương.

img
 Nén hương tưởng nhớ các chiến sĩ trận vong, nhân dân nạn vong

Các địa điểm cúng chủ yếu là ở Thành Nội, tại Miếu Âm hồn (P.Thuận Lộc), đàn Âm hồn (P. Tây Lộc) và Nghĩa trang tập thể chùa Ba Đồn (P.An Tây). Bên cạnh đó, nhiều đình chùa trên địa bàn cũng tổ chức lễ. Thường là lễ cúng được các chức sắc, người cao tuổi đứng ra nhận trách nhiệm, kinh phí chủ yếu là từ tiền quyên góp của người dân.

Ngoài ra, hầu hết các hộ gia đình trong và ngoài Thành Nội đều tự tổ chức một lễ cúng riêng tại nhà. Mâm cúng được bày giữa sân, trước cổng nhà luôn đốt một đống củi, ngụ ý để những vong linh qua đường được sưởi ấm.

Lễ vật dâng lên thường là xôi, thịt, cơm đùm và các thức bánh trái. Cũng như các lễ cúng diễn ra trong năm ở Huế, mâm cúng âm hồn luôn có áo quần vàng mã, gạo, muối, được cho là cấp cho các linh hồn không nơi nương tựa. Điều này dẫn từ việc nhiều người chết dưới hồ Tịnh Tâm, hoặc bị vứt xác xuống sông, hồ trong cuộc biến cố tang thương.

img

Nghẹn ngào một biến cố xót xa trong lịch sử dân tộc.

Người đứng ra dâng hương thường là gia chủ, quần áo phải chỉnh tề nghiêm trang, nếu là phụ nữ thường mặc áo dài lam để tỏ lòng thành kính. Sau lễ cúng, các thành viên trong gia đình cùng nhau đi phóng sanh, rồi về tập trung cùng ăn bữa cơm thân mật, con cháu trong nhà được cha, ông kể lại những giai thoại truyền miệng về ngày 23.5.

img Hoá vàng cho các linh hồn vương vất, không nơi nương tựa.

Những ai lần đầu đến Huế sẽ tỏ ra ngạc nhiên vào ngày 23.5 khi thấy dàn rạp che khắp các con đường nội thành, khói hương và vàng mã nghi ngút cả ngày cho đến đêm.

Lễ cúng âm hồn 23.5 là một mỹ tục được duy trì từ hơn 100 năm trước đến nay, thắm đượm tình dân tộc, thể hiện rõ đạo lý uống nước nhớ nguồn.