Dạo một vòng quanh xã Duy Trinh, khắp các thôn cùng ngõ hẻm, ớt được phơi đỏ rực trước hiên nhà, các sân chùa, trên lề đường… Nhưng người trồng ớt thì buồn bã, người ta ngồi lại, bàn nhau chuyện trồng cây gì thay ớt, bán ớt ở đâu thì kéo được ít vốn.
Chị Nguyễn Thị Thu (xã Duy Trinh) đang dọn dẹp những cây ớt đã để khô, nói: “Mấy năm, ớt được mùa, làm một sào ớt bằng hai sào ngô, giờ thì mất cả. Tôi lại chuyển sang trồng ngô”.
Với diện tích một sào, năm trước chị thu về 500kg ớt, giá bán 7.000 đồng/kg. Năm nay chị thu hoạch 700kg ớt, tưởng đâu sẽ bội thu, nhưng giá bán hiện tại chỉ 2.000 đồng /kg. Chị buồn: “Giờ chỉ cầu cho có người mua, mang về phơi khô cũng nhọc, lại bán chẳng được là bao. Nhiều hộ chẳng phơi, cứ phá đi rồi vứt ngoài ruộng”.
Cạnh bên là ruộng ớt ông Nguyễn Sơn (xã Duy Trinh). Năm nay ông trồng 5 sào ớt, thu 10 tấn. Ông cho biết: “Đầu vụ giá ớt khoảng 7.000 đồng/kg, bán được 2-3 triệu đồng, giờ ớt giảm quá, tôi để 4 tấn phơi khô dự trữ. Thu về chẳng đủ tiền phân, thuốc, kể cả công, nói chi đến lãi”.
Vụ ớt năm nay, trên toàn huyện Duy Xuyên có hơn 100ha, tập trung chủ yếu ở các xã Duy Trinh và Duy Châu, năng suất đạt 30 tấn/ha. Đầu vụ ớt, giá khoảng 7.000 đồng/kg, nhưng đến khi ớt chín đỏ cây, giá chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg đối với ớt tươi, và 10.000 -15.000 đồng/kg với ớt khô.
Hiện tại các thương lái cũng không mấy ngó ngàng đến, do thị trường Trung Quốc hạn chế, ớt khô cũng chỉ để dự trữ.
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho biết: “Hiện tại Quảng Nam chỉ dám chọn 2 loại cây trồng ngắn ngày là ngô, lạc, và các cây ăn quả dài ngày, còn lại lệ thuộc thị trường Trung Quốc. Đối với khâu hợp đồng cũng không rõ ràng, chỉ trồng theo cảm tính, nên người nông dân luôn chịu thiệt”.