Bà Tươi kể: “Thu nhập của gia đình tôi chỉ trông vào vài sào ruộng. Năm 2001, vợ chồng tôi đấu thầu khu đất trũng của xã đào ao nuôi cá, vượt đất trồng cây ăn quả... Sau 10 năm tích góp, vợ chồng tôi bắt tay vào làm trang trại nuôi lợn giống Móng Cái và gà công nghiệp.
Nhưng sau một thời gian, thị trường bão hòa, lợi nhuận thu được chẳng còn là bao, cộng thêm dịch bệnh, thời tiết nắng nóng gà công nghiệp chết hết”. Năm 2012, học hỏi kinh nghiệm từ những người xây dựng trang trại đi trước, bà chuyển sang nuôi lợn siêu nạc. Hiện nay trang trại của bà có 20 con lợn lái, 100 con lợn thịt. Bà Tươi cho biết, mỗi năm trang trại của bà nuôi 300–400 con lợn thịt.
Về giống và thức ăn chăn nuôi, bà mua giống lợn và thức ăn chăn nuôi tại trại Thụy Phương và Công ty cổ phần Chăn nuôi CP. Công tác thú y được bà đặc biệt chú trọng, nhất là khâu tiêm phòng dịch bệnh, phun thuốc khử trùng chuồng trại định kỳ 2 lần/tháng. Việc xây chuồng trại cũng được được bà chú ý.
Phía trước là dàn phun mưa để làm mát, phía sau là hệ thống 3 quạt thông gió loại to. “Những ngày nắng nóng nhiệt độ cao, để giữ mát cho đàn lợn tôi phải liên tục phun nước lên mái làm giảm nhiệt, hệ thống quạt hoạt động suốt ngày. Chỉ cần không theo dõi thường xuyên, chuồng trại không dọn dẹp sạch sẽ dịch bệnh sẽ phát sinh ngay” – bà Tươi chia sẻ.
Bà cho biết, nuôi lợn từ lúc đẻ đến khi bán trung bình 5 tháng/lứa. Thị trường tiêu thụ lợn của bà chủ yếu ở Hải Dương và Hải Phòng.
Cùng với trang trại lợn, bà còn có 1ha trồng cây ăn quả, chủ yếu là vải, và ao nuôi cá thịt. Vụ vải năm nay chưa kết thúc, bà đã thu được hơn 10 triệu đồng.
Khoe ngôi nhà khang trang với nhiều tiện nghi sinh hoạt hiện đại, bà Tươi bảo: “Tất cả là từ trang trại mà ra đó”. Kinh nghiệm của những tháng năm nuôi lợn, bà Tươi lại chia sẻ cho bà con địa phương với mong muốn, mọi người không thất bại khi đầu tư xây dựng trang trại.