Tìm hiểu rõ đối tác
Trước tình trạng nông sản Việt Nam khó tiêu thụ, rớt giá do Trung Quốc (TQ) giảm nhập khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng, có điều này là do lâu nay chúng ta quen sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, không chế biến sâu, không rõ xuất xứ...
Đương nhiên những sản phẩm như vậy chỉ có thể được chấp nhận bởi thị trường TQ có trình độ sản xuất và tiêu dùng tương đương, với giá bán thấp, lâu dần nhiều loại nông sản của ta chủ yếu “dựa dẫm” thị trường TQ. Khi họ đột ngột thay đổi chính sách về thị trường thì chúng ta xoay trở không kịp để tìm hướng tiêu thụ mới.
Để thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường TQ, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần tăng cường tìm hiểu thị trường TQ và thay đổi cung cách làm ăn với họ.
Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT Long An thẳng thắn nói: “Đây là thị trường lớn của ta thì không tội gì ta bỏ. Họ có nhu cầu thì ta cứ bán, chỉ cần ta thay đổi cách thức làm ăn, bớt dần rồi tiến tới bỏ hẳn xuất khẩu tiểu ngạch, tăng xuất khẩu chính ngạch bằng các hợp đồng với những điều khoản rõ ràng”.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Nam - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) nhấn mạnh, DN Việt Nam cần xác định lại vị thế của mình là ngang bằng trong mua bán với doanh nhân TQ, bởi hiện TQ đang có nhu cầu nhập khẩu cao về lương thực.
“Tức là họ cũng có nhu cầu mua, chứ không phải chỉ ta mới có nhu cầu bán mà quá lệ thuộc vào họ. Điều quan trọng là chúng ta cần tìm hiểu nhu cầu của khách hàng TQ cần mua loại gạo gì, số lượng, chất lượng ra sao, để từ đó tiến tới thương thảo một hợp đồng mua bán trên thế bình đẳng, cả hai bên đều hài lòng” – ông Nam phân tích.
Theo ông Lê Minh Đức, trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay thì ở một góc độ nào đó, đây chính là thời cơ để DN Việt Nam nâng cao vị thế với doanh nhân TQ và nắm “đằng chuôi”.
Ở góc độ người sản xuất, với tinh thần yêu nước đang được khơi dậy mạnh mẽ, đây cũng là động lực để nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ dễ dãi sang chuyên nghiệp; hướng tới sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để sẵn sàng đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khác ngoài TQ.
“Khi nông dân đã quen với sản xuất sạch, chỉ làm ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì giá bán cũng sẽ không còn thấp như hiện nay” – ông Đức nhận định.
Đầu tư thị trường nội địa
Những ngày qua, Bộ Công Thương cùng Bộ NNPTNT ráo riết đẩy mạnh việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong nước. Mới đây, 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương cũng đã ký biên bản hỗ trợ tiêu thụ vải thiều với Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh.
Theo đó, ngoài tiêu thụ ở các chợ truyền thống, vải thiều sẽ được đưa vào bán trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố, làm “bàn đạp” để đẩy mạnh tiêu thụ ở vùng Đông và Tây Nam Bộ.
Thị trường nội địa cũng đang là mục tiêu hướng tới của nhiều DN xuất khẩu gạo, thủy sản. Ông Phạm Thanh Thọ - Phó Giám đốc ngành lương thực của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) cho biết, trong nước, công ty đang bán các dòng gạo thơm và gạo mầm cho người ăn kiêng, sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm, chiếm 17% tổng sản lượng gạo của công ty.
“Hiện thị trường nội địa có rất nhiều tiềm năng, nhất là ở phân khúc gạo cao cấp bởi nhiều người vẫn đang phải mua gạo thơm của Thái Lan, Campuchia. Vì thế, AGPPS đặt mục tiêu tăng sản lượng tiêu thụ nội địa lên 50 – 70% vào năm 2020 và phải là gạo có thương hiệu; tỷ trọng xuất khẩu sẽ giảm còn 30 – 40%” – ông Thọ nói.
TS Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, để tạo thế cân bằng với thị trường TQ, Nhà nước cần tập trung đầu tư cho 3 khâu trọng yếu.
Hiện nay, khâu sản xuất cơ bản đã ổn, chỉ cần xác định trồng cây gì có đầu ra ổn định, có lợi nhuận là nông dân Việt Nam đều trồng được, Nhà nước chỉ cần can thiệp ở góc độ quy hoạch, sao cho diện tích từng loại cây trồng hợp lý, nhằm cân bằng cung - cầu.
Tuy nhiên, 2 khâu còn lại là chế biến và thương mại xuất nhập khẩu thì ta còn rất yếu, nhất là khâu chế biến gần như bị... bỏ rơi. Số DN thương mại đúng nghĩa chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại vẫn là những “thương lái”, chỉ biết đi thu mua của nông dân, đem về sơ chế rồi bán kiếm lời, hậu quả là không quyết định được giá bán, chỉ biết ép giá nông dân.
“TQ hiện vẫn là thị trường dễ tính, họ vẫn cần mua hàng hóa để phục vụ tiêu dùng, nhưng sự bất ổn trên Biển Đông có thể coi là cơ hội để chúng ta “soi” lại mình, giảm dần phụ thuộc vào thị trường TQ. Muốn vậy, Nhà nước cần có kế hoạch cụ thể để giải quyết 3 khâu trọng yếu nói trên, nếu không nông nghiệp của Việt Nam mãi vẫn chỉ dừng lại ở bán “mồ hôi” của nông dân mà thôi” – TS Nguyễn Văn Nam nói.