Dân Việt

Nhớ thời mơ... “Ba Đẻn“

25/06/2014 10:33 GMT+7
Trong đại gia đình các danh thủ Việt Nam, tên tuổi Nguyễn Thế Anh được nhắc đến một cách trân trọng, với những trang viết hay và nhiều câu chuyện bên lề hấp dẫn.
Cách đây 40 năm, trên tờ Hà Nội mới có bài thơ của một tác giả mà tôi không nhớ tên, mô tả khát vọng và tâm tư của lớp trẻ Hà Nội đang trên ghế nhà trường, trong đó có câu: “Đêm nằm mơ Ba Đẻn”. Điều này chứng tỏ Nguyễn Thế Anh là gương mặt quý hiếm ở giới cầu thủ mà tên tuổi đã sớm đi vào thi ca, nếu có thể nói như thế.
img
Ông Thìn A cùng Thế Anh (trái) và Cao Cường - Ảnh: Phan Sang

Tên loài rắn biển

Tôi và nhiều đồng nghiệp đã viết và nói khá nhiều về anh, có nét chuẩn xác và có cả những hư cấu đáng yêu dành cho Ba Đẻn song tất cả đều được chấp nhận, vì thế những dòng này chỉ là chút chấm phá cho bức tranh chân dung của Ba Đẻn, một gương mặt không thể nào quên của bóng đá Việt Nam.

Có người nói Nguyễn Thế Anh đã gia nhập Thể Công ngay từ đầu và cái tên Ba Đẻn được xuất hiện do nói lái từ “Ba Đen” và giải thích rằng cầu thủ này có nước da nâu sẫm... thật là lầm lớn. Nguyễn Thế Anh và đồng đội Nguyễn Trọng Giáp có nét tương đồng ở xuất xứ: chàng hậu vệ bị Trường TDTT Từ Sơn chê, còn anh tiền đạo lại bị thể thao Hà Nội xem là nhỏ con khó phát triển, thế nên họ đã về với Thể Công, có lẽ vì ở đây có cặp “mắt xanh”.

Về biệt danh, giới cầu thủ vốn hay được mang tên một loài động vật nào đó có những ưu điểm về sức mạnh, tốc độ, sự khôn khéo... và khi tập huấn bên Triều Tiên, Thế Anh (anh chàng đâu có đen!) được bè bạn đặt tên trùng với đẻn là loài rắn biển cực độc, bởi trên đất bạn, anh sớm bộc lộ những đặc điểm hết sức lợi hại, rất khó vô hiệu hóa như loài rắn biển kia. Chính cựu danh thủ Ngô Xuân Quýnh đã nhắc lại và xác định tình tiết này khi được hỏi.  

Năm 1967, sau chuyến đi tập huấn dài ngày tại Thượng Hải (Trung Quốc) cùng đoàn thể thao Việt Nam, một lần tôi tới làng Đại Tự thăm các bạn đồng đội bóng rổ Thể Công ở đây, tiện thể ghé qua bên bóng đá và thấy một tốp cầu thủ trẻ, nghe nói sắp đi Triều Tiên tập huấn dài ngày. Trong đó có một anh thấp nhỏ, đeo khẩu CKC (súng trường) dài hơn người khi xếp hàng để điểm danh song khi chơi bóng lại tỏ ra nhanh nhẹn lạ thường, bạn bóng rổ bảo tôi: “Nó là con cụ Thìn A đấy”. Thì ra là thế, con nhà nòi, vì tôi biết rõ cụ Thìn đá ở sân Hoàng Diệu điềm đạm bao sân lắm, ai ngờ có mấy con trai và mãi sau này mới biết cả 2 anh em Thế Anh, Cao Cường đều trở nên những VIP của bóng đá nước nhà.    

Triết lý bóng đá từ con người

Cũng ông Ngô Xuân Quýnh từng tâm sự: Bóng đá xứ ta ít người cao to như “Tây” nên phải tìm ra lối đá cho mình, Thể Công từng có những cầu thủ nhỏ con đá rất hay, nhưng đến như Ba Đẻn là đặc biệt nên từ con người cụ thể này, chúng tôi quyết đi tìm một lối đá Việt Nam để phù hợp với nhiệm vụ quốc tế.

Ông Quýnh và ông Nguyễn Văn Vinh đều thấy rõ từ Nguyễn Thế Anh nét bẩm sinh rất thông minh, có cả tố chất, gien trội và tư chất của một cầu thủ giỏi cho dù thấp bé nhẹ cân. Khi Thể Công đi tập huấn ở các nước châu Âu, một chuyên gia bạn đã ngắm Ba Đẻn chơi bóng rồi gật gù và cho rằng anh chàng Việt Nam này đủ sức chơi bóng ở Bundesliga.

img
Thế Anh (thứ tư từ phải sang) trước trận gặp đội tuyển Cuba - Ảnh: Phan Sang

Yêu mến Thể Công, xin được nói thêm về Ba Đẻn. Anh chơi bóng độc đáo, chân vòng kiềng, tuy chạy không nhanh lắm song rất khó kèm, khó đánh nếu đối phương có ác ý, vì anh  tránh đòn nhanh như sóc. Cú sút xa của Đẻn chưa ở dạng độc, đánh đầu cũng không đỉnh song mọi lối dứt điểm đều hiểm hóc và đầy bất ngờ, như bản chất của môn thể thao vua.

Tôi cho rằng, nét đặc điểm hơn người và không ai có là việc Ba Đẻn và bóng luôn dính vào nhau chứ không như các tiền đạo bây giờ hay để bóng xa người khi đột phá, vừa dễ mất bóng lại dễ ăn đòn. Chưa hết, đang chạy, bỗng Đẻn dừng một cái im phắc cả người lẫn bóng, những ai xem lần đầu thấy kinh ngạc lắm và theo tôi thì đó là cái phẩm chất thượng thặng của anh chàng tiền đạo độc đáo này.

Sừng sững đẳng cấp

Ông Nguyễn Văn Vinh, cựu HLV của Thể Công đã xúc động kể lại bàn thắng mà ông cho là kỳ lạ và vô tiền khoáng hậu của Nguyễn Thế Anh. Đó là trận đấu của Thể Công với Bát Nhất (Quân giải phóng Trung Quốc) vào tối 30.7.1974 nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân giải phóng Trung Quốc. Tỷ số đang là 2-1, Thể Công quyết nâng cao tỷ số và ào lên tấn công từ cánh phải, sau khi Thái Nguyên Bền tạt một quả thật đẹp qua trái, tất cả cầu thủ hai bên đều lao vào khu giữa, song nhanh nhất và chiếm đúng chỗ nhất là Ba Đẻn, tiền đạo nhỏ con của Việt Nam đã lòn từ phía sau bật cao đánh đầu và cả người lẫn bóng chui vào lưới rồi nằm im (!). HLV Vinh “Tàu” vừa sung sướng vừa lo lắng nên chạy vụt tới và đến khi ấy Thế Anh mới bò dậy, trên mặt dính nhiều hạt vôi dùng để kẻ sân và gò má rỉ máu - một bàn thắng kỳ lạ. Trận đấu ấy, Thể Công thắng 4-1 và ngay đêm ấy, từ nước nhà, cấp chỉ huy điện sang chúc mừng rồi cho biết mỗi cầu thủ thi đấu hôm ấy sẽ được thưởng 30 nhân dân tệ!

Tới thăm Lưu Đình Tòng, tức Tòng “cháy”, lão hậu vệ sáng giá một thời của đội tuyển Việt Nam, từng giành số phiếu cao nhất trong dịp Báo Hà Nội mới lần đầu tổ chức cuộc bầu chọn các cầu thủ bóng đá, chào mừng ngày 1.1.1960, tôi được nghe lời khen ngợi Ba Đẻn. Theo đó, anh chàng tuy nhỏ con ở Thể Công và đội tuyển, song cái lối đè người chiếm không gian lại lợi hại vô cùng và điều này tạo ra khác biệt về đẳng cấp với lớp trẻ hiện nay, như kiểu Công Vinh, Việt Thắng, Thanh Bình..., họ đều kém xa anh ta về chạy chỗ và thường chỉ biết ăn sẵn.

Một lần khác, tôi nghe tâm sự của Phúc “vổ” - hậu vệ khét tiếng một thời, từng được coi là chỉ xếp sau Tòng “cháy” song nổi bật về cách vô hiệu hóa các tiền đạo. Phúc “vổ” kể rằng ở miền Bắc hồi ấy, anh chỉ ngại cách ra chân của cặp trung phong Trần Hùng và Từ Như Hiển, còn đối thủ làm anh đau đầu nhất mỗi khi sắp ra sân gặp mặt chính là Ba Đẻn. Anh chàng hậu vệ được xem như khắc tinh của mọi tiền đạo đã nói thật lòng: “Ngồi trên xe ra sân rồi mà tôi vẫn phải nghĩ xem cái cách kèm nó ra làm sao!”...

Thế giới bóng đá có những “chàng lùn vĩ đại” như Maradona hay Lionel Messi và dù có khập khiễng, bóng đá xứ Việt cũng tự hào khi góp mặt khiêm tốn cùng bạn bè với Nguyễn Thế Anh - Ba Đẻn. Phải chăng cho đến tận bây giờ, ý tưởng tìm tòi và xây dựng một lối đá Việt Nam sao cho có hiệu quả vẫn có thể bắt nguồn từ một thực tế đã có những tài danh sân cỏ tầm vóc không cao nhưng lại hội đủ những phẩm chất tốt đẹp đủ sức làm nên chiến thắng?


Nguyễn Thế Anh sinh năm 1949, là con thứ ba của cựu cầu thủ bóng đá nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam, Nguyễn Văn Thìn (biệt danh là Thìn A, từng là cầu thủ Công an Hà Nội và tuyển Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Ông có ba người em (Nguyễn Cao Cường, Cao Vinh và Cao Hiển) đều là những cầu thủ nổi tiếng tại Việt Nam, trong đó Nguyễn Cao Cường là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.

Thế Anh gia nhập Thể Công khi mới 17 tuổi. Từ tháng 11.1967 đến năm 1968, ông cùng 25 cầu thủ trẻ khác của Thể Công (trong đó có Nguyễn Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Duy Phú, Nguyễn Văn Nhật, Vương Tiến Dũng...) sang Triều Tiên tập luyện. Năm 1970, ông chơi trận đấu chính thức đầu tiên cho Thể Công khi đấu giao hữu với đội tuyển Cuba, đã tham dự 2 kỳ SKADA, ghi nhiều bàn thắng đẹp mắt cho Thể Công. Ông từ giã sân cỏ năm 1984, làm HLV cho Trung tâm thể thao Quân đội. Năm 1998, làm trợ lý cho ông Vương Tiến Dũng đoạt chức vô địch giải quốc gia và đoạt siêu cúp cùng năm.