Dân Việt

Lão nông "phù phép" đất phèn “đẻ” trái ngọt và trang trại thanh long tiền tỷ

Hoàng Hạnh 26/06/2014 06:46 GMT+7
Tính đến nay sau hơn 16 tháng gieo trồng và cần mẫn chăm sóc, trang trại thanh long của ông Phước đã bắt đầu cho lợi nhuận tiền tỷ. "Đầu mùa mưa tới giờ đã bẻ được đợt thứ 3, khoảng 5 tấn trái. Mang đi chào hàng, thương lái ở chợ Cà Mau và miệt Long An khen ngon ngọt còn hơn thanh long vùng chuyên canh lớn, có bao nhiêu họ cũng mua".

Ấp 18, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau vốn là vùng đất phèn mặn, sản xuất lúa kém hiệu quả. Trong cái khó ló cái khôn, những năm qua nhiều nông dân ở địa phương này đã mạnh dạn trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Biến ước mơ thành hiện thực

Trong số đó phải kể đến gia đình ông Nguyễn Hữu Phước – người đi đầu trong phong trào trồng thanh long trên đất rừng U Minh Hạ. Chỉ trong vụ thu hoạch đầu tiên vào năm 2013, gia đình ông Phước đã thu về hàng trăm triệu đồng, mở ra hướng đi mới cho người dân xứ rừng.

Rời vùng quê ở miệt vườn cây trái Châu Thành (Tiền Giang) đến vùng đất U Minh Hạ lập nghiệp, mấy chục năm qua ông Phước luôn nuôi ước mơ thành lập trang trại thanh long, và hiện nay ước mơ ấy đã thành hiện thực.

“Mấy năm đầu về đây, tôi trồng vài bụi thanh long vừa để cho mấy đứa nhỏ có trái để ăn, vừa để đỡ nhớ quê nhà. Thấy thanh long lớn tốt ngay trên vùng đất phèn, trái ăn ngon ngọt không kém nơi khác. Từ đó ước mơ của tôi càng được thôi thúc nhiều hơn” – ông Phước nhớ lại.

Cuối năm 2012, ông Phước rủ người em ruột là ông Nguyễn Thanh Hùng từ Tiền Giang xuống U Minh Hạ mở rộng quy mô trồng thanh long trên diện tích hơn 5ha đất của gia đình.

“Cực nhất là khâu cải tạo và xây dựng hệ thống tiêu thoát nước để trồng 5.000 bụi thanh long (3.000 bụi thanh long ruột đỏ), rồi đến công đoạn xây dựng hàng ngàn trụ bê tông làm giá đỡ cho thanh long trên vùng đất trũng, nhiễm phèn nặng” – ông Hùng kể.

Trang trại thanh long của anh em ông Phước ban đầu cho khoảng 200kg trái vào năm 2013 do cây chưa đủ sức. Thấy vậy, ông Phước và người em trồng xen đu đủ. Nhờ đó, tổng thu của 2 anh em được gần 500 triệu đồng vào cuối năm.

Đu đủ tiếp tục cho trái và giúp ông Phước thu về hàng trăm triệu đồng vào đầu năm 2014 tới nay. Ngay khi vừa thu hoạch xong, ông Phước cho đốn hạ đu đủ để nhường ánh sáng trời cho thanh long phát triển. Tính đến nay sau hơn 16 tháng gieo trồng và cần mẫn chăm sóc, trang trại thanh long của ông Phước đã bắt đầu cho lợi nhuận tiền tỷ.

“Đầu mùa mưa tới giờ đã bẻ được đợt thứ 3, khoảng 5 tấn trái. Mang đi chào hàng, thương lái ở chợ Cà Mau và miệt Long An khen ngon ngọt còn hơn thanh long vùng chuyên canh lớn, có bao nhiêu họ cũng mua. Anh em tôi vô cùng phấn khởi” – ông Phước cho biết.

Bắt đấtc

Vốn là dân trong nghề, dày dặn kinh nghiệm nên anh em ông Phước đã trồng thanh long một cách bài bản, buộc đất phèn mặn phải cho trái ngọt.

Ông Phước cho biết thanh long thích hợp ở vùng đất cao ráo, dễ thoát nước và không bị nhiễm phèn, nên ông thuê nhân công kê liếp cao, trộn thêm mụn dừa (phân xơ dừa) để tạo thêm phì nhiêu cho đất.

"Mang thanh long đi chào hàng, thương lái ở chợ Cà Mau và miệt Long An khen ngon ngọt còn hơn thanh long vùng chuyên canh lớn, có bao nhiêu họ cũng mua. Anh em tôi vô cùng phấn khởi”.
Ông Nguyễn Hữu Phước

Theo tính toán của lão nông này, cây sẽ sai trái và năng suất cao từ năm thứ 3 đến năm thứ 7 (mỗi bụi thanh long ước từ 40-50kg trái mỗi năm), về sau năng suất giảm dần. Tuy nhiên, thanh long ruột trắng chỉ cho trái từ đầu mùa mưa tới khoảng tết trung thu; còn ruột đỏ cho trái quanh năm nhưng tùy thời điểm sản lượng nhiều hay ít.

Nói về kế hoạch sắp tới, ông Phước chia sẻ: “Chúng tôi sẽ đầu tư luôn hệ thống xông đèn, cộng với chế độ chăm sóc hợp lý sẽ kích thích 2 loại thanh long đang trồng cho trái cả mùa thuận và mùa nghịch”.

Ông Đỗ Văn Sơ - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau cho biết: Trang trại chuyên canh thanh long quy mô lớn của ông Phước là mô hình đầu tiên ở Cà Mau. Ngoài ra còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.