Do đâu ở ta có cái “Luật Tam tòng" quá nghiệt ngã đối với phụ nữ?
Nhắc lại một giai thoại trong lịch sử Việt Nam để minh chứng cụ Phan Bội Châu không chỉ là nhà nho yêu nước, mà cụ còn là một trí thức thâm sâu, cụ đã biết rất rõ những “mặt trái” của chế độ thực dân phong kiến thời đó. Một trong những mặt trái ấy là cái “thuyết tam tòng” mà ai ai cũng lầm tưởng là do ông Khổng đã bày ra, nên không thể không tuân hành. Sự thật, theo cụ Phan, “Nho giáo nào có dạy vậy”!
Và đây là câu chuyện của ngày trước, cách nay vừa tròn 80 năm, nhân Chủ nhiệm báo Phụ nữ tân văn là ông Nguyễn Đức Nhuận đưa ra vấn đề “thuyết tam tòng”, nhà nho yêu nước Phan Bội Châu đã lớn tiếng chê trách cái thuyết vô cùng nghiệt ngã này khiến chị em từ bao đời nay phải cam phận tôi đòi, suốt đời dốt nát, bị coi như "kẻ hầu người hạ" trong nhà. Nó chẳng những cố tình hạ thấp giá trị người phụ nữ Việt Nam mà còn không phát huy được vai trò của chị em đối với gia đình, với xã hội.
Cụ Phan cho đó là một hủ tục vô cùng tệ hại của bọn đồ nho, hay nói một cách khác, đó là sự áp đặt vô nhân của giai cấp cầm quyền dưới chế độ thực dân phong kiến. Để “giải phóng phụ nữ”, nó cần phải được vứt bỏ ngay. Phan tiên sinh phân tích trong tâm trạng đầy chua xót:
- “Ôi cha! Đó là một cái hủ tục quá dở, nên bỏ đi! Thuyết tam tòng là một chuyện đặt ra của một bọn đồ nho, một bọn cầm quyền đời xưa đó thôi. Đã cai trị thâu lãnh hết tánh mạng linh hồn của bầy tôi, họ còn muốn cho vợ, con các người dân phải chịu theo một số phận, liên lạc gần nhau để mà sai khiến. Nho giáo nào có dạy vậy, vì sách đã có nói: Chồng phải chồng thì vợ mới phải vợ, cha ra cha thì con mới ra con. Trong cuốn sách của tôi đã xuất bản tựa là “Vấn đề phụ nữ” tôi đã bàn và chỉ trích mấy luật chuyên chế ấy.
Ông hãy nghĩ coi, như nói: tại gia tùng phụ thì còn dễ nghe, vì lúc còn nhỏ thì phải nghe người lớn, đến xuất giá tùng phu thì đã thấy sai rồi, chồng cho phải chồng thì vợ mới phải vợ, chớ gặp chồng hư, chồng hèn rồi biểu vợ cũng phải hư hèn theo chồng nữa sao? Đến cái tùng thứ ba là phu tử tùng tử mới thiệt là bậy lắm. Có luật gì mà buộc mẹ phải theo con, gặp con hư con hoang phá của, phá nhà rồi cũng phải theo sao?”.
Cuộc trò chuyện được bổn báo Chủ nhiệm thuật lại trên tờ Phụ nữ tân văn số 244 ngày 31.5.1934, liền theo đó, trên Phụ nữ tân văn số 255 ngày 23.8.1934, Nguyễn Thị Kiêm đã có bài viết khai triển thêm ý ấy rằng, “đạo tam tùng ngày xưa chỉ là một cái luật, một cái mẹo của bọn cầm quyền. Người đàn ông sau lại tưởng là một đạo thiên nhiên, chánh đáng nên noi đó mà chuyên chế đàn bà là giống cũng bị áp chế như họ.
Ngày xưa, người đàn bà nhận cái luân lý như vậy vì dốt nát không hiểu quyền lợi của mình và vì yếu nên khép nép dưới oai cha, quyền chồng và sự biết của con trai mình, dầu cha, chồng, con thấy sai, làm quấy hơn mình!”.
Phát biểu của cụ Phan và bài viết của nhà báo Nguyễn Thị Kiêm (tức nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh) thời ấy, như trái bom tấn phá bỏ thành trì của một thứ khuôn phép cực kỳ vô lý, quái gỡ, khiến không chỉ phụ nữ thôi mà nam giới cũng phải nhận ra rằng đó là một hủ tục cần mạnh dạn loại bỏ.
“Nam nữ bình đẳng” là nền tảng văn hoá của con người, của gia đình để vun đắp hạnh phúc, bởi hạnh phúc bao giờ cũng là của cải quý giá nhất mà từng thành viên trong mỗi gia đình đều ra sức vun đắp và vươn tới để chung tay xây dựng một xã hội loài người tiến bộ. Nó đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới quyết tâm thực hiện trên cơ sở thể chế hóa bằng pháp luật, cơ bản và trước hết là, trong phạm vi gia đình từ việc hôn nhân, đối xử, đến chuyện làm ăn… nhứt thiết đều phải được diễn ra trong tinh thần “trao đổi ý kiến, một cuộc hiệp tác về lý tưởng giữa chồng vợ cha con” – chữ dùng của Nguyễn Thị Kiêm.
Ngày nay, vai trò người phụ nữ Việt Nam trong mọi hoạt động xã hội đã mang lại hiệu quả thiết thực rất đáng ghi nhận. Các bông hoa ấy vẫn đang ngày càng tỏa hương là do người dân đã sớm ý thức rằng, “thuyết tam tòng là một chuyện đặt ra của một bọn đồ nho, một bọn cầm quyền đời xưa. Đã cai trị thâu lãnh hết tánh mạng linh hồn của bầy tôi, họ còn muốn cho vợ, con các người dân phải chịu theo một số phận, liên lạc gần nhau để mà sai khiến. Nho giáo nào có dạy vậy!”. Và cụ Phan cũng đã không quên cảnh tỉnh: “Đó là một cái hủ tục quá dở, nên bỏ đi!”.