Ngày 25.6, các tay súng phiến quân đã tấn công một trong những căn cứ không quân lớn nhất của Iraq và giành quyền kiềm soát nhiều mỏ dầu, ngay khi các binh sỹ lực lượng đặc nhiệm và các nhà phân tích tình báo của Mỹ đến Iraq trợ giúp các lực lượng an ninh nước này chống phiến quân.
Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ đánh bom ở Kirkuk. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo các nhân chứng, các tay súng thuộc nhóm phiến quân tự xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL) cùng với các tay súng bộ lạc người Sunni đã bao vây và nã đạn súng cối vào căn cứ không quân "Doanh trại Anaconda" do Mỹ sử dụng, nằm ở gần thị trấn Yathrib, cách thủ đô Baghdad 90 km về phía Bắc. Một quan chức địa phương cho biết phiến quân cũng đã giao tranh với quân đội Iraq tại Yathrib và 4 tay súng đã bị tiêu diệt. Ở cách thành phố miền Bắc Tikrit 30km về phía Đông, các tay súng ISIL đã tràn vào khu vực khai thác dầu khí Ajeel, nơi tập trung ít nhất 3 mỏ dầu với lượng khai thác tổng cộng 28.000 thùng/ngày.
Một kỹ sư làm việc tại đây cho biết các bộ lạc địa phương đã nhận trách nhiệm bảo vệ các mỏ dầu sau khi cảnh sát rút khỏi khu vực, song chính họ cũng đã rời đi sau khi thị trấn al-Alam lân cận bị phiến quân chiếm giữ. Cũng trong ngày 25.6, tổng cộng 27 người thiệt mạng và 90 người bị thương trong các cuộc tấn công bạo lực trên khắp Iraq. Trong số các vụ tấn công, nghiêm trọng nhất là vụ đánh bom liều chết làm 5 người thiệt mạng và 17 người bị thương tại một đồn biên phòng ở thành phố Kirkuk, cách Baghdad 250km về phía Bắc, và vụ nã đạn súng cối vào nhà riêng của Phó thị trưởng thành phố Salahudin Ismail Khudair Hlob làm 7 người chết, 25 người bị thương.
Trước diễn biến bạo lực phức tạp ở Iraq, ngày 25.6, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ở Iraq, ông Nickolay Mladenov cho rằng "mặc dù tình hình (Iraq) rất nghiêm trọng, song không phải không thể giải quyết." Trong một cuộc họp qua điện thoại từ Baghdad, ông Mladenov nhận định "có thể cứu nguy cho Iraq và kết nối các phe phái với nhau." Ông bày tỏ hy vọng quốc hội mới của Iraq dựa trên kết quả bầu cử đầu tháng 4 vừa qua sẽ nhóm họp vào ngày 1.7, sau đó tiến hành bầu chủ tịch quốc hội và thành lập chính phủ mới.
Ông Mladenov cũng cho biết Phái bộ Liên hợp quốc hỗ trợ Iraq (UNAMI) do ông đứng đầu sẽ "phối hợp chặt chẽ với đại diện của tất cả các đảng phái chính trị" nhằm đạt được mục tiêu trên. Trong khi đó, tại cuộc hội đàm ngày 25.6 với Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Washington, Tổng thống Israel Shimon Peres cảnh báo Iraq có thể không duy trì được sự thống nhất đất nước trong bối cảnh bạo lực giáo phái gia tăng. Ông Peres cho rằng Iraq cần có một quân đội hùng mạnh để kết hợp các đảng phái lại với nhau, song ông "không nhận thấy quân đội Iraq làm được điều này cũng như không cho rằng các đảng phái sẽ chấp nhận".