Trong báo cáo dài 55 trang, Ban An toàn Giao thông Australia nhấn mạnh, các nhà điều tra đưa ra kết luận trên sau khi so sánh tình trạng, hoàn cảnh của
chuyến bay MH370 với các thảm họa trước đây.
Theo bản báo cáo, từ những so sánh, đánh giá đó, cộng với việc phi hành đoàn MH370 đã không hề có bất cứ phản ứng nào trong tình huống nguy cấp khi máy bay gặp sự cố thì giả thuyết thiếu ô-xi đột ngột (khiến hành khách và phi hành đoàn bị ngạt thở) trong giai đoạn cuối cùng của MH370 dường như là thích hợp nhất.
Dù vậy, báo cáo trên không bao gồm bất cứ manh mối mới nào về sự mất tích của chuyến bay MH370.
Tác phẩm điêu khắc trên cát nhằm cầu nguyện cho chuyến bay xấu số MH370 của nghệ sĩ Ấn Độ Sudersan Pattnaik.
Bản báo cáo trên được tiết lộ sau hơn 100 ngày
chuyến bay MH370 chở 239 người trên khoang mất tích bí ẩn ngày 8.3 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.
Trước đó một ngày, giới chức Australia cũng đặt ra giả thuyết, MH370 có thể đã bay ở chế độ tự động trước khi rơi xuống biển.
Hãng tin AFP ngày 26.6 dẫn lời Phó thủ tướng Australia Warren Truss cho biết: "Sẽ là hợp lý khi cho rằng có khả năng rất cao, rất cao là chiếc phi cơ đã bay ở chế độ tự động. Nếu không, nó không thể di chuyển theo đường bay như vệ tinh xác định”.
Đồng thời, Phó thủ tướng Australia cho biết, một nhóm chuyên gia vệ tinh vừa kiểm tra lại toàn bộ thông tin hiện có nhằm xác định vùng tìm kiếm rộng tới 60.000 km2, dọc theo khu vực được gọi là "vòng cung thứ 7" ở nam Ấn Độ Dương, nơi MH370 có liên lạc cuối cùng với vệ tinh.
"Dựa theo những tính toán, chúng tôi đang chuyển sự chú ý tới một khu vực xa hơn về phía nam, dọc theo vòng cung này", ông Truss khẳng định.
Việc tìm kiếm sẽ tiếp tục cùng với quá trình vẽ bản đồ đáy đại dương trong khu vực tìm kiếm. Công việc này đang do hai tàu khảo sát Zhu Kezhen của Trung Quốc và tàu Fugro Equator của Australia thực hiện. Những nỗ lực này dự kiến hoàn thành vào tháng 8, sau đó chuyển sang việc tìm kiếm MH370 dưới đáy biển một cách toàn diện, kéo dài khoảng 12 tháng.