Bộ Giao thông Vận tải vừa chính thức có tờ trình phương án cổ phần hóa công ty mẹ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lên Thủ tướng, sau khi đã tổ chức thẩm định cuối tuần trước.
Vietnam Airlines được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý kiến nghị lên Thủ tướng nhiều ưu đãi sau cổ phần hóa.
Theo đó, Bộ cơ bản thống nhất với phương án trình từ giữa tháng 6, bao gồm cơ cấu vốn điều lệ, giá khởi điểm. Bộ Giao thông cũng ủng hộ các kiến nghị về nội dung các cơ chế mà hãng hàng không này sẽ kế thừa sau cổ phần hóa, cho phép hãng được giữ lại nguồn tiền thu được sau phát hành cổ phiếu, làm cơ sở bổ sung thêm tiền để mua thêm máy bay.
Bộ chủ quản cũng đồng tình với phương án sau cổ phần hóa, công ty cổ phần vẫn tiếp tục được Chính phủ bảo lãnh miễn phí 100% vốn vay mua máy bay, bao gồm cả vay tín dụng xuất khẩu và vay thương mại.
Vietnam Airlines cũng được Bộ Giao thông Vận tải đề nghị với Chính phủ cho phép miễn áp dụng về quy định tài sản thế chấp đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu và khoản vay hỗn hợp giữ vay thương mại và vay tín dụng xuất khẩu được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện mua sắm máy bay A350 và B787.
Với vốn điều lệ 14.100 tỷ đồng, tương ứng với 1,410 tỷ cổ phiếu, cơ cấu sở hữu cổ phần trong lần đầu phát hành được Vietnam Airlines dự kiến có 75% do Nhà nước nắm giữ. Hơn 282 triệu cổ phần sẽ được bán cho nhà đầu tư chiến lược, tương đương 20%. Cổ phần bán đấu giá công khai chiếm 3,465%, tương đương 48,8 triệu cổ phiếu. Gần 21 triệu cổ phần còn lại bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên, tương đương 1,485%
Trong trường hợp không bán hết số lượng cổ phần theo cơ cấu này, Bộ Giao thông sẽ kiến nghị Thủ tướng để tổng công ty dùng vốn Nhà nước còn lại tại doanh nghiệp cũng như số tiền thu từ bán vốn Nhà nước để điều chính quy mô và cơ cấu vốn điều lệ trước khi tổng công ty tổ chức đại hội cổ đông lần đầu.
Sau khi chuyển sang công ty cổ phần, Vietnam Airlines sẽ dựa trên tình hình cụ thể để lập phương án bán tiếp phần vốn Nhà nước, tuy nhiên tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước vẫn không thấp hơn 65%.