Một buổi chiều, trên đường trở về nhà, cô Rebecca Gallagher ghé qua cửa hàng giảm giá Swansea ở xứ Wale và mua được một chiếc váy hiệu Primark với giá rẻ, chỉ 10 bảng Anh.
Nhưng khi về nhà, cô vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra lời "kêu cứu thống thiết từ đáy lòng” ghi bên trên mác váy: “Tôi bị buộc phải làm việc nhiều giờ đến kiệt sức”.
Tương tự, một phụ nữ khác, cũng mua váy ở cửa hàng Swansea và tìm thấy lời kêu cứu "các điều kiện làm việc quá tồi tệ, nhà máy bóc lột công nhân tàn tệ".
Những dòng chữ nguệch ngoạc trên mẩu giấy màu vàng, cuộn quanh thẻ tù nhân, là lời kêu cứu của một tù nhân Trung Quốc đang phải may quần áo xuất khẩu như một "lao động khổ sai".
Nội dung lời kêu cứu như sau: “Chúng tôi phải làm việc 15 giờ mỗi ngày và phải ăn thứ thức ăn không bằng thức ăn cho chó, mèo. Chúng tôi bị ép làm việc như những con bò”.
Cả cô Rebecca và Karen đã cảm thấy rất sốc và ngạc nhiên sau khi tìm thấy những lời kêu cứu thống thiết giấu trong mác áo.
Nhưng họ chỉ là 2 trong số trong nhiều người trên thế giới đã tìm thấy những thông điệp kêu cứu gắn trên các mác quần áo của một số nhãn hiện thời trang nổi tiếng.
Đó dường như là lời kêu cứu của các công nhân ở các nước đang phát triển đang gia công sản phẩm cho các hãng may mặc nổi tiếng. Dường như các công nhân đang rơi vào bị kịch, nhận mức lương bèo bọt nhưng bị bóc lột sức lao động đến kiệt quệ.
Hiện nay, gần như tất cả các hãng thời trang nổi tiếng đều thuê gia công sản phẩm tại các nước đang phát triển bởi ở đây nguồn lao động dồi dào, tay nghề khá mà mức lương lại rẻ mạt.
Để tối đa hóa lợi nhuận thu được, các nhà máy thời trang giá rẻ ép công nhân làm việc tại những khu nhà cũ, tồi tàn xập xệ, máy móc rẻ tiền cũ nát. Công nhân liên tục bị ép tăng năng suất làm việc trong khi lương không tăng và không có bất cứ khoản trợ cấp nào.
Còn nhớ vụ sập xưởng may 8 tầng ở Bangladesh năm ngoái khiến khoảng 1.500 công nhân thiệt mạng đã phơi bày tấn bi kịch này trước dư luận thế giới.
Bangladesh là quốc gia sản xuất hàng may mặc lớn thứ 2 trên thế giới, nhưng công nhân may ở nước này có lẽ cũng bị bóc lột thậm tệ nhất trên thế giới.
Tổng cộng có khoảng 3,5 triệu công nhân may Bangladesh (85% là phụ nữ) bị vắt kiệt với từ 14 giờ đến 16 giờ làm việc mỗi ngày trong khoảng 5.000 xưởng may gia công quần áo. Mức lương bèo bọt hàng tháng họ nhận được là khoảng 3.000 taka/tháng (tương đương 782.000 VNĐ), dưới mức lương cơ bản của Bangladesh.
Theo các nguồn tin, công nhân nữ tại đây không được nhận bất cứ một khoản trợ cấp thai sản nào, thậm chí còn bị ép thôi việc nếu mang thai, vì như vậy sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động.
Hoàn cảnh của xấp xỉ 600.000 công nhân may tại Campuchia (phần lớn là phụ nữ, đến từ vùng nông thôn nghèo) cũng tương tự như vậy.
Dù may gia công cho những thương hiệu quốc tế như H&M hay Gap từ 5h đến 20h, lương trung bình mà công nhận nhận được chỉ ở khoảng 3,3 USD/ngày (khoảng gần 70.000 vnd). Họ thường phải chấp nhận tăng ca thêm 4 tới 6 tiếng để cải thiện thu nhập.
Những công nhân may ở Bangladesh đang phải làm việc trong điều kiện tồi tệ với mức lương bèo bọt.
Hoàn cảnh của hàng triệu công nhân ở "công xưởng thời trang lớn nhất thế giới" Trung Quốc cũng không khá khẩm hơn. Không chỉ các công nhân là đối tượng bị bóc lột mà đến cả các tù nhân trong các trại giam hoặc trại cải tạo cũng bị“tận dụng tối đa” để gia công hàng xuất khẩu.
Năm 2011, một phụ nữ Mỹ tìm thấy một bức thư cầu cứu giấu trong một chiếc hộp đựng đồ trang trí cho Lễ hội hóa trang Halloween. Người đàn ông trong bức thư tự nhận là 1 tù nhân và đang phải lao động khổ sai trong một nhà tù ở Trung Quốc.
Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đưa tin, Trung Quốc đang biến hàng trăm trại lao động, nơi giam giữ tội phạm dân sự ở mức độ nhẹ thành các công xưởng.
Và đương nhiên tù nhân tại đây bị ép trở thành lao động khổ sai, “phải làm việc tới 15h/ngày và ăn thức ăn mà chó, lợn còn không thèm ăn”, - theo lời kêu cứu của một tù nhân.
Người dân Anh biểu tình bên ngoài một cửa hiệu của Primark chống nạn bóc lột sức lao động năm 2011.
Những lời kêu cứu thông thiết của các công nhân may đã khiến dư luận thế giới dậy sóng và đặt ra nhiều câu hỏi về sự thật đằng sau những bộ trang phục bóng bẩy, lịch lãm của các hãng thời trang nổi tiếng.
Nhiều người đặt ra câu hỏi “Liệu có phải chúng ta đang mặc trang phục được làm ra từ mồ hôi, nước mắt và thậm chí là máu của công nhân?”.
Trong khi đó, phản ứng của các công ty, hãng thời trang nổi tiếng đều là hoặc là lờ đi, hoặc là phủ nhận.
Đơn cử như Primark, hãng thời trang giá rẻ nổi tiếng của Anh, có những chiếc váy với lời kêu cứu của công nhân giấu trong mác áo đã lên tiếng phủ nhận việc bóc lột công nhân.
Primark khẳng định, kể từ năm 2009, hãng đã thực hiện 9 cuộc thanh tra tại những nhà máy gia công sản phẩm cho hãng và không phát hiện ra bất cứ vụ cưỡng ép lao động nào. Hãng này cho rằng, những lời kêu cứu giấu trong mác quần áo chỉ là "sự cố" và để xoa dịu dư luận, Primark hứa hẹn, “sẽ tiến hành điều tra kỹ lưỡng".