Dân Việt

Trồng chè VietGAP: Sạch thuốc sâu, đút túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vũ Huế 29/06/2014 14:12 GMT+7
Dự án “Sản xuất chè búp tươi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP” được Sở NNPTNT tỉnh Yên Bái triển khai từ năm 2009, với 2.000 hộ tham gia sản xuất trên 1.290ha chè, tập trung chủ yếu tại các huyện Văn Chấn, Trấn Yên… Nhờ dự án này, thu nhập của nông dân tăng mạnh.

Với tổng diện tích 300ha chè, xã Bảo Hưng (Trấn Yên) được coi là một trong những vùng chè chủ lực của tỉnh Yên Bái, trong đó các giống chè chất lượng cao như bát tiên, phúc văn tiên chiếm 85ha; chè LDP1 45ha, còn lại là chè trung du.

Đang thoăn thoắt hái chè, thấy chúng tôi đến hỏi chuyện, anh Trần Văn Trường ở thôn Trực Thanh, xã Bảo Hưng cho biết: “Chè đang cho búp rộ, tận dụng thời điểm nắng đẹp, chè lại đang được giá nên gia đình tôi phải huy động toàn bộ nhân công thu hái nhanh để kịp cung ứng cho lái buôn”.

img 
 Theo anh Trường, từ khi tham gia dự án sản xuất chè búp tươi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình anh không chỉ được dạy cách trồng chè bàn bản mà còn được hỗ trợ các giống chè năng suất cao như bát tiên, phúc văn tiên, nhờ đó sản lượng chè của gia đình đã tăng từ 3 - 4 tấn/ha lên hơn 10 tấn/ha, giá bán chè cũng tăng lên so với trước, hiện đạt 100.000 – 150.000 đồng/kg chè khô, đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Cùng tham gia dự án trồng chè VietGAP, bà Trịnh Thị Vẩn ở thôn 12, xã Tân Thịnh (Văn Chấn) cho biết: Trước đây, thấy bà con trong thôn thu hoạch chè bằng máy vừa nhanh, vừa đỡ vất vả nên gia đình cũng áp dụng, tuy nhiên, chỉ sau 2 năm cắt máy, đồi chè 6.000m2 của nhà tôi xấu đi trông thấy. Tham gia dự án chè VietGAP, tôi quyết tâm thực hiện chăm sóc và thu hái chè đúng kỹ thuật, vì vậy diện tích chè đã phát triển trở lại và cho năng suất cao hơn, trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng 60 – 70 triệu đồng/năm.

“Thích nhất là trồng chè VietGAP mà gia đình tôi không còn bị mùi thuốc trừ sâu làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước đây, khi trồng theo cách truyền thống, chúng tôi thường phải phun nhiều thuốc trừ sâu rất độc hại, giờ chỉ dùng phân bón và thuốc trừ sâu sinh học thôi” - bà Vẩn nói.

Trao đổi với NTNN, ông Lại Thế Hùng - Giám đốc dự án QSEAP (Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học tỉnh Yên Bái) cho biết: Dự án đã đào tạo được hơn 2.000 cán bộ khuyến nông, mở được nhiều lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật chăm sóc chè.

Sau 5 năm thực hiện, dự án đã góp phần tăng sản lượng chè và tăng giá bán sản phẩm. Đặc biệt là tại xã Bảo Hưng, đã có 165 hộ tham gia dự án và đến nay, những hộ này đều được cấp giấy chứng nhận chè đạt tiêu chuẩn VietGAP.

“Đến thời điểm hiện tại, thành công nhất của dự án là góp phần thay đổi phương thức canh tác của người dân theo hướng an toàn, hiệu quả, theo đó đã thực hiện chuyển đổi được gần 2.000ha diện tích chè trung du già cỗi, năng suất thấp sang các giống chè mới chất lượng cao. Hiện nay, chúng tôi đã và đang hoàn tất các thủ tục để tiến tới xây dựng thương hiệu chè an toàn. Tin vui là các Công ty Chè Liên Sơn, Công ty Chè Nghĩa Lộ đã quyết định thu mua chè VietGAP của bà con với giá cao hơn chè thường từ 300 – 500 đồng/kg” - ông Hùng cho biết.