"Sao sáng" long đong, lận đận
Theo quyết định của HĐQT Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), ông Trương Đình Anh sẽ từ nhiệm chức danh ủy viên HĐQT từ ngày 30.6.2014, một động thái đánh dấu sự rút lui hoàn toàn khỏi tập đoàn công nghệ FPT của CEO thế hệ thứ ba này.
Trước đó, hồi tháng 8.2012, giới đầu tư chứng khoán xôn xao khi có thông tin "quái nhân" Trương Đình Anh - khi đó đang giữ chức TGĐ Tập đoàn FPT - thoái vị vì không đạt được kế hoạch mà cổ đông thông qua.
Chỉ một tháng sau đó, ông Anh đã chính thức xin từ nhiệm với lý do được nêu trong đơn là vì những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa ông và HĐQT. Và cũng không lâu sau đó, ông Anh rời bỏ luôn vị trí chủ tịch FPT Telecom - một công ty của Tập đoàn FPT, là công ty đóng góp lớn nhuận lớn nhất cho FPT và là đơn vị mà ông gây dựng từ những ngày đầu thành lập và chính nơi đã tạo nên một CEO nổi tiếng - Trương Đình Anh.
Động thái bán hết cổ phần và bỏ nốt các chức danh thành viên HĐQT của FPT, FPT Telecom và FPT Online đánh dấu sự rút lui hoàn toàn của vị "tướng" nhiều tài nhưng được cho là lắm tật này khỏi DN của ông Trương Gia Bình.
Doanh nghiệp liên tục thay tướng
Cuối năm 2013 vừa qua, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) quyết định miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Phạm Văn Trung sau khi miễn nhiệm chức TGĐ hồi giữa tháng 10.
Trước đó, năm 2011, vị CEO trẻ nổi như cồn này cũng từng được bổ nhiệm vào vị trí TGĐ của một tập đoàn sản xuất tôn nổi tiếng Hoa Sen Group - một đối thủ của Nam Kim. Tuy nhiên, ông Trung chỉ nắm giữ chức vụ này được vỏn vẹn có 18 ngày.
Rất nhiều "sao sáng" trên bầu trời nhân sự cao cấp Việt Nam gần đây rơi vào tình trạng long đong lận đận, không yên vị với cổ đông của các DN nổi tiếng như: Simon Morris rời vị trí TGĐ Techcombank; "phù thủy marketing" Trần Bảo Minh chia tay Vinamilk; bà Dương Thị Mai Hoa từ nhiệm CEO VIBBank hồi đầu 2013; ông Kiều Hữu Dũng từ nhiệm chủ tịch Chứng khoán Sacombank...
Chỉ tính riêng trên sàn chứng khoán, khoảng 2 năm qua có hàng trăm lãnh đạo các DN lớn nhỏ mất chức, rời bỏ chức vụ "vì lý do cá nhân" trong bối cảnh các DN tiến hành tái cơ cấu.
Anh hùng và thời thế
Hiện tượng hàng loạt các CEO nổi tiếng trên thị trường nhân lực bị thay thế gần đây cho thấy một thực tế là họ, ở một góc độ nào đó, đã không đáp ứng được kỳ vọng của các DN trong bối cảnh hoạt động sản xuất ngày càng khó khăn, cạnh tranh quyết liệt hoặc không có chiến lược và phương thức điều hành khác với các "ông chủ".
Trong trường hợp Nam Kim, không chỉ thay thế CEO Phạm Văn Trung, trong năm 2013 DN có cổ phiếu NKG niêm yết trên TTCK này gây bão trên TTCK với hàng loạt những thay đổi trong dàn lãnh đạo cấp cao, trong đó có 6 lần thay kế toán trưởng trong vòng 1 năm.
Bản lĩnh người lãnh đạo?
Hiện tượng thay đổi lãnh đạo trong đó có CEO Phạm Văn Trung của Nam Kim diễn ra trong bối cảnh DN có tiếng tăm trong ngành thép này hoạt động khá kém hiệu quả trong vòng 2 năm gần đây với nhiều quý lỗ đậm hoặc lãi rất thấp, trái ngược với với tình hình hoạt động khá tốt của đối thủ Tôn Hoa Sen (HSG).
Với FPT, CEO "tuổi trẻ tài cao" Trương Đình Anh "ra đi" và nhường lại ghế nóng cho "thế hệ lãnh đạo cũ" sau khi lèo lái con thuyền FPT không thực sự ấn tượng trong thời buổi khó khăn. Ông Anh rời ghế TGĐ với kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2012 mới chỉ đạt 40% kế hoạch lợi nhuận cả năm - một con số khiêm tốn đối với kỳ vọng của các cổ đông của DN này.
Sự ra đi của các sếp khác cũng gắn liền với những khó khăn chung hoặc riêng ở một mảng nào đó của các DN - mà có lẽ họ không đủ sức để vượt qua khó khăn chung trên thị trường. Trong trường hợp Techcombank, nhiều người không quên được bức tâm thư cắt thưởng tết của CEO Simon Morris hay những kết quả không mấy tích cực như lãi ròng 2012 giảm 70%; nhân sự giảm cả nghìn người...
Có thể thấy, sự ra đi của nhiều lãnh đạo nổi tiếng trong cộng đồng DN Việt trong khoảng 2 năm qua cho thấy, trong thời kỳ kinh tế bùng nổ, việc lèo lái một con thuyền tiến lên phía trước chắc chắn sẽ thuận lợi. Còn kinh tế khó khăn, sức cầu suy giảm khắp nơi thì việc duy trì tăng trưởng cho DN thực sự không dễ dàng.
Một điều cũng khá quan trọng là, giới đầu tư cũng như các cổ đông gần đây khá dị ứng với những kế hoạch phát triển chớp nhoáng, đầu tư đa ngành, thiếu bền vững. Cổ đông nhiều người mong muốn DN phát triển theo chiều sâu, tập trung vào thế mạnh của DN.
Ở một số DN lớn, các cổ đông "nghìn tỷ" lại càng khắt khe hơn với CEO dẫn dắt các mảng của mình. Họ đòi hỏi khả năng cao hơn ở các nhân sự cao cấp. Tuy nhiên, công cuộc tìm những nhà lãnh đạo tài giỏi thực sự rất khó khăn, bởi những nhân sự có trình độ siêu việt trong nước rất hiếm, còn nhược điểm của nhân sự ngoại là khó theo được môi trường kinh doanh khá phức tạp tại Việt Nam. Vì thế, việc nhiều sếp nổi tiếng long đong, phải ra đi có lẽ là điều dễ hiểu.