Nồi cơm nhà tôi luôn độn sắn hoặc khoai. Cả những món ăn đều phải tìm về vì lấy tiền đâu đi chợ. Để có món ăn và bán kiếm ít đồng, mẹ tôi phải làm món dưa môn muối chua mang ra chợ bán.
Lúc sinh thời, cứ mỗi tuần một lần, từ sáng tinh mơ, cha tôi vác đòn xóc và liềm vào núi Nứa, thuộc xã Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành) để cắt môn từ các khe suối, đến gần trưa thì gánh về nhà. Loại môn này có tên là môn nước mọc hoang dã, rất ngứa nhưng khi đã chua, nấu ăn rất giòn và ngon. Bởi thế, quê tôi lưu truyền câu ca: “Anh ơi mua giúp dưa môn/Dưa em không ngứa, kho ngon cực kỳ”.
Còn nhớ, cha tôi gánh môn về để trước sân, mẹ tôi cắt hết lá xắt mỏng nấu cho heo ăn. Mẹ đem dọc môn tước vỏ rửa sạch, cắt khoảng một tấc, chẻ làm hai hoặc làm ba đem phơi héo – hôm sau đem bỏ muối và nước (một chén muối khoảng mười chén nước) vào lu, gài vỉ tre cho ngập môn. Chừng một tuần sau là dưa môn chua. Dưa này cũng dùng như dưa cải. Tuy nhiên nếu chế biến món ăn khi dưa môn “chưa chín” thì ăn hơi ngứa miệng. Dưa môn hơi chua kho với các loại cá rất ngon, nhất là đồng hoặc các biển như cá nhám biển, cá đối…
Những ngày thiếu thức ăn, mẹ mở lu lấy dưa môn ngâm nước lã, rửa sạch, vắt ráo. Mẹ bắc chảo khử dầu phụng với tỏi cho thơm, sau đó cho dưa vào xào, nêm thêm gia vị tiêu, nước mắm, mì chính vừa ăn. Món này ăn với cơm cũng rất ngon.
Nhưng ngon nhất vẫn là dưa môn kho với cá đối. Gặp bữa chợ đông, bán được nhiều dưa, mẹ tôi mua cá đối về kho. Cá đối sau khi móc mang, làm ruột và rửa sạch để ráo, mẹ ướp tiêu, nước mắm, ớt, dầu ăn cho thấm, và cho dưa môn vào kho lửa riu riu. Khi nước cá đã sền sệt mẹ nhanh tay rắc một ít tiêu bột rồi nhấc xuống. Đĩa cá nghi ngút khói, thoang thoảng mùi thơm dân dã, quê hương.
Dù đã bấy nhiêu năm, nhưng mỗi lần nhìn những bà mẹ quê bán dưa môn ven đường, đôi mắt tôi bỗng cay cay. Tôi đang nhớ dáng lom khom của mẹ gánh môn xuống chợ bán vào sáng tinh mơ lúc tôi còn thơ ấu; nhớ hương vị nồng nàn của nồi cá đối kho dưa lan tỏa trong gian bếp quê nhà.