Dân Việt

Chàng trai đi khắp ASEAN để khám phá... người Việt

30/06/2014 12:10 GMT+7
“Người nước ngoài nghĩ gì về Việt Nam?” là câu hỏi động lực cho hành trình phượt ASEAN gần một tháng của Bùi Quang Bình (26 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Ba ngày trước khi lên đường, Bình chuẩn bị sẵn câu hỏi, một ít bánh kẹo, hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam. Đầu tháng 5.2014, cuộc chu du bắt đầu. Lào, Campuchia, Thái Lan đến Singapore, Myanmar, tất cả các nước đều được Bình chọn thủ đô làm điểm dừng chân.

Chiếc máy quay nhỏ làm bạn với Bình trên từng chặng đường. Gặp những bạn trẻ ngoại quốc, Bình hỏi họ nghĩ gì, biết gì về Việt Nam, về con người, âm nhạc, ẩm thực, trang phục... Những câu trả lời được Bình ghi lại: Việt Nam yên bình, đẹp, con người thân thiện, dễ gần, phần lớn du khách bị níu chân bởi nụ cười hồn hậu, dễ mến.

Nhưng trong mắt họ, điểm xấu của người Việt cũng không ít: thiếu vệ sinh nơi công cộng, quá ồn ào... Có lần, Bình “muối mặt” nghe một nam sinh viên Campuchia nói về những người bạn Việt Nam: “Họ làm cái gì cũng to, nói quá to, bật nhạc quá to. Họ thích uống nhiều bia rượu, mỗi tuần nhậu 4-5 lần và họ thích la hét khi nói chuyện. Tôi thật sự không biết tại sao họ lại như vậy?”.

Đi qua chín nước, Bình thấy một điểm chung là không nước nào nhiều quán cà phê như ở Việt Nam, giới trẻ các nước cũng không nướng thời gian la cà quán xá, đánh bài, nhậu nhẹt. Ngoài giờ tới lớp, họ dành thời gian ôn bài, học các môn năng khiếu và đi làm thêm. “Mình không dám đánh giá tất cả, nhưng qua nhận xét của người dân nước khác và những gì mình thấy thì giới trẻ của nước ta đang lãng phí quá nhiều thời gian và sống chưa hết mình”, Bình nói.

img

Bình (bìa trái) đi khắp ASEAN để tìm hiểu về người Việt Nam từ một góc nhìn khác.

Ở mỗi nước, Bình nhận ra những chuẩn mực riêng. Chẳng hạn, người dân Singapore không thích vòng vèo, luôn muốn đi thẳng vào vấn đề, nếu xin họ 3 phút để phỏng vấn thì sau 3 phút, họ sẽ không trả lời gì thêm. Càng khó hơn khi mời người dân nước này uống rượu, vì với họ uống phải có nơi, có lúc. Riêng Brunei, cứ xả rác ngoài đường thì sẽ bị phạt tiền, số tiền phạt quy ra tương đương 20 triệu đồng Việt Nam.

Cũng trong chuyến đi này, Bình quảng bá văn hóa Việt bằng cách mời mọi người ăn thử kẹo dừa, bánh đậu xanh, mắm ruốc, xem những bức ảnh về áo dài, áo bà ba, và nghe nhạc Việt. Toàn bộ những câu trả lời, đánh giá sẽ được “trình làng” bằng loạt clip dài 10 tập có tựa đề “ASEAN nghĩ gì về Việt Nam” và về chủ quyền biển Đông.

“Lúc đưa tờ tiền mình ra, người dân các nước đều chỉ vào và nói: “A, Bác Hồ”. Vị lãnh tụ của chúng ta được nhân dân khắp nơi biết đến và kính trọng, mình rất tự hào”, Bình phấn chấn. Một số người biết Việt Nam qua cuộc chiến chống Mỹ, biết nhân dân cả nước cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên gan, anh dũng để giành hòa bình.

Mỗi điểm dừng, Bình lấy quốc kỳ trong ba lô ra, căng trước gió để lưu lại khoảnh khắc. Khi chuyến đi mới được một tuần thì Bình hay tin Trung Quốc cắm giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam.

“Thời điểm đó, đi nước nào cũng nghe tin tức về biển đảo Việt Nam, trên ti vi, báo chí, cả trong những cuộc nói chuyện”, Bình kể. Tuy không có trong kế hoạch của chuyến đi, nhưng muốn biết người dân ASEAN nghĩ sao về hành động trên, Bình đã ghi lại những ý kiến của họ để có cái nhìn khách quan nhất. Hầu như tất cả đều mong muốn hai bên giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

Nhiều bạn trẻ Trung Quốc tỏ ra rất sốc, khi những gì trong thực tế quá trái ngược với kiến thức về địa lý, chủ quyền mà họ được học trong nhà trường. “Tôi là người Trung Quốc, các sách giáo khoa của chúng tôi nói rằng đó là lãnh thổ của Trung Quốc, và tôi tưởng điều đó là đúng. Tôi không biết là thế giới lại nói khác. Tôi nghĩ là vì tôi chưa tìm hiểu kỹ vấn đề biển Đông. Có vài điều trái ngược với những gì tôi đã học trước kia nên tôi hơi bị sốc” - một du học sinh Trung Quốc ở Singapore, cho hay.

Dự tính hai tháng nữa 10 video về chuyến đi sẽ hoàn thành, Bình kỳ vọng qua đó bạn trẻ Việt Nam rút ra được nhiều điều hay, tạo lối sống đẹp cho bản thân.