Thưa ông, cả cơ quan quản lý và các chuyên gia đều lên tiếng phản đối kiến nghị của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh về việc thành lập đặc khu kinh tế gang thép tại Vũng Áng. Là người trong ngành thép, ông đánh giá điều này như thế nào?
- Tôi đồng ý với quan điểm của Bộ KHĐT khi bác kiến nghị này. Bởi nó vượt quá ưu đãi mà chúng ta từng làm cho các liên doanh FDI, dù đây là công trình lớn trong ngành thép không chỉ của Việt Nam mà cả trên thế giới. Công suất của nhà máy thép mà Formosa Hà Tĩnh đang đầu tư lên tới hai mấy triệu tấn/năm.
Ít có liên hợp nào trong giai đoạn khó khăn hiện nay mà vẫn còn có khả năng đầu tư lớn như vậy. Và cũng vì lý do đó, Việt Nam cũng đã hết sức ưu tiên cho Formosa Hà Tĩnh từ thuế, phí, đất, nói chung là tất cả những gì có thể ưu đãi đều đã thực hiện hết...
Vậy thì đề xuất xin thành lập đặc khu kinh tế có còn đem lại lợi ích kinh tế nào lớn nữa cho Formosa Hà Tĩnh hay không?
- Họ muốn thành lập thêm đặc khu kinh tế sau vụ gây rối trật tự hồi tháng 5, tôi cho rằng nó đã không còn trở thành vấn đề kinh tế nữa. Nó giống như kiến nghị của một tổ chức chính trị, xã hội rất lạ, độc và khó có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay. Tôi cho rằng, đây là điều Chính phủ cần cân nhắc rất kỹ bởi vị trí của Khu kinh tế Vũng Áng rất quan trọng cả về phát triển kinh tế cũng như an ninh chính trị.
Nhưng họ còn đề xuất một loạt biện pháp ưu đãi như được Chính phủ thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép, được Chính phủ ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh, được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu... Ông nhìn nhận các đề nghị này như thế nào?
- Trước đây Formosa cũng đã có những kiến nghị đề xuất được hưởng những ưu đãi tương tự cho dự án, nhưng Chính phủ khi đó đã bác bỏ hoàn toàn. Có khả năng dựa vào tình hình hiện nay, nhà đầu tư cứ đề xuất những quyền lợi ưu đãi về mình để nếu được chúng ta giải quyết thì càng tốt. Dù đây là dự án lớn nhưng tôi khẳng định bản thân ngành thép không phải là ngành đặc thù cá biệt quan trọng hoặc là ngành công nghiệp công nghệ cao để nhất thiết phải dành các ưu đãi đặc biệt hay thành lập một đặc khu như họ tiếp tục kiến nghị hiện nay.
Vậy các DN thép Việt Nam không lo ngại gì trước các ưu đãi đặc biệt của Việt Nam dành cho Formosa Hà Tĩnh?
- Với dự án thép này, Formosa ban đầu cam kết chỉ sản xuất thép cuộn cán nóng, thép tấm nóng. Đây là những sản phẩm trong nước chưa sản xuất. Họ đảm bảo sẽ xuất khẩu hết các sản phẩm nên chúng ta cũng không quan tâm nữa. Nhưng hiện nay, giai đoạn I của dự án, họ lại chuyển hướng sang “xin” đưa ra sản phẩm thép dài khoảng 1 triệu tấn ra thị trường thì chúng ta sẽ rất gay go. Bởi sản phẩm này sẽ cạnh tranh với sản phẩm của các DN thép trong nước. Hiện chúng ta đang dư thừa lớn sản phẩm thép dài trong nước, sản xuất ra tới 11 triệu tấn/năm song chỉ đang tiêu thụ có 5,5 triệu tấn, còn lại xuất khẩu chật vật sang một số nước trong khu vực. Họ đưa thép cán dài ra nữa sẽ chiếm hết cả thị phần.
Chưa kể, họ giờ họ cũng lại làm phôi, sản phẩm mình cũng đang dư thừa, rồi thép thanh, thép dây… ta cũng đang cạnh tranh với Trung Quốc đủ chết, nếu cuối năm 2015 Formosa đưa ra sản phẩm không biết ngành thép trong nước sẽ ra sao?! Chúng tôi đang lo chuyện này, bởi DN thép trong nước tranh giành với họ rất khó. Formosa có chính sách lớn, ưu đãi lớn, công ty mẹ lớn sẽ hơn hẳn các DN trong nước. Quan điểm của chúng tôi là Việt Nam dành ưu đãi thế nào thì ưu đãi nhưng đừng để các ưu đãi đó làm ảnh hưởng tới đầu tư, sản xuất của các DN trong nước.
Xin cảm ơn ông!