Kỹ sư Lương Nguyễn Bảo Phong kể anh tốt nghiệp ngành cơ khí trường Đại học Nông lâm TP.HCM vào năm 2005. Lúc mới ra trường anh xin vào làm việc tại nhà máy đường Biên Hòa, nằm ở Tây Ninh với công việc chính là bảo dưỡng thiết bị, máy móc.
Những ngày tháng làm ở nhà máy đường anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành, bảo dưỡng các thiết bị nông nghiệp tại nhà máy. Cũng trong thời gian ấy anh nhận thấy người nông dân đa phần vẫn còn sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, tốn nhiều công sức mà không hiệu quả, năng suất lại không cao.
Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế tại địa phương. Do đó anh luôn ấp ủ kế hoạch sản xuất ra những thiết bị nông nghiệp hữu ích cho nông dân với chi phí phù hợp nhất.
Sau những tháng năm làm trong nhà máy đường, năm 2009, anh quyết định mở cơ sở gia công, sửa chữa thiết bị nông nghiệp Phong Phú. Ban đầu anh nhận sửa chữa các thiết bị nông nghiệp trong nhà máy đường. Nhưng khi ngành mía đường gặp khó khăn, đơn đặt hàng ít hơn nên anh tập trung nghiên cứu và sản xuất các thiết bị, máy móc khác phục vụ sản xuất nông nghiệp.
“Chế tạo các thiết bị nông nghiệp không phải đơn giản bởi từ lý thuyết đến thực tế ứng dụng là một quá trình gian nan. Để làm ra máy móc nào thì cũng cần phải nghiên cứu về loại cây trồng cho phù hợp. Chẳng hạn như làm ra máy trồng mía, trồng mì,…thì phải tìm hiểu kỹ về cây mì cây mía. Từ đó mới ra bản vẽ phù hợp rồi tiến hành sản xuất máy. Máy móc làm ra rồi khi đem ra ruộng thử nghiệm thấy không được thì phải mang về làm lại" - kỹ sư Phong chia sẻ.
Cũng theo anh Phong, để sản xuất ra một máy thiết bị nông nghiệp thì mất nhiều thời gian. Chẳng hạn để làm ra một cái máy tuốt đậu phộng thì mất đến 2 năm trời. Còn làm ra các máy móc đơn giản hơn như máy trồng mì, máy phun thuốc cao su, máy thổi lá cao su…cũng mất thời gian từ 2 – 5 tháng. Khi bắt tay vào làm anh và các công nhân hầu như quên cả ăn, ngủ.
Nhờ có kiến thức từ trường lớp cùng với sự kiên trì và những kinh nghiệm thực tế, kỹ sư Phong cùng những người thợ của mình cũng nhanh chóng làm ra nhiều thiết bị nông nghiệp hữu ích phục vụ cho nhu cầu sản xuất của người dân. Đến nay cơ sở Phong Phú của anh đã cho ra đời hơn 20 loại máy móc, thiết bị nông nghiệp.
Các loại máy này phục vụ cho nhu cầu trồng, chăm sóc, thu hoạch của 4 loại cây đậu phộng, mì, mía và cao su. Giá cả các máy móc, thiết bị do cơ sở làm ra cũng khá “mềm” với mức giá chỉ từ trên 20 đến 100 triệu đồng/cái tùy theo loại máy.
Khách hàng của cơ sở Phong Phú hiện nay không chỉ ở Tây Ninh mà còn có cả ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và thậm chí ở tận Campuchia.
Anh cho biết: “Máy móc bán chạy hiện nay là máy trồng mì và máy phun thuốc cao su. Máy trồng, chăm sóc mía trước đây mình làm nhiều nhưng hiện nay cây mía đang “chết” nên mình tập trung vào những loại máy phục vụ cây trồng phù hợp hơn.”.