Dân Việt

Nhớ vải thiều chính cống ngày xưa

Màu vải chín đã phủ khắp Nam – Bắc, nhưng lòng tôi vẫn bâng khuâng về hương vị trái vải thiều chính cống ngày xưa. Nếu xét về dòng vải thì vải thiều ở đất Thanh Hà thuộc tỉnh Hải Dương mới gọi là “bà hoàng” của vải. Cây vải tổ ở Hải Dương hiện vẫn đang ở thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Khi chim tu hú gọi bầy, khoảng cuối tháng tư, đầu tháng năm, đó là lúc báo hiệu mùa vải chín, cũng vì vậy, vải đầu mùa còn được gọi là vải tu hú. Nhưng người sành ăn thì không vội vã mua ngay trái vải đầu mùa mà phải đợi một tháng sau, ấy là lúc vải thiều xuất hiện.

Vải có rất nhiều loại: vải trứng, vải chua, vải u hồng, vải Tàu lai… Những loại này rất đẹp mã nhưng về độ ngon thì không thể sánh được với vải thiều Thanh Hà. Trái vải thiều chỉ to hơn ngón chân cái, vỏ sần sùi và đỏ sậm, có gai nho nhỏ nổi lên.

img Mã ngoài không đẹp mắt cho lắm nhưng chỉ cần lột vỏ ra đã lộ một lớp cùi trắng nõn và mọng nước. 

Mã ngoài không đẹp mắt cho lắm nhưng chỉ cần lột vỏ ra đã lộ một lớp cùi trắng nõn và mọng nước, cắn một miếng là nước tràn ngập chân răng. Cùi vải ngọt lịm, ngọt sắc, ngọt tê lưỡi và mùi thơm rất thanh tao. Cái hạt nhỏ xíu, màu nâu đen, thậm chí có trái hạt nhỏ đến mức gần như không có.

Mỗi lần có vải thiều xuất hiện, mẹ tôi mới mua vải thắp hương kính dâng lên tổ tiên đặc sản của đất Việt, tuyệt nhiên không thấy bà thắp hương bằng trái cây ngoại bao giờ. Từ nhỏ, tôi đã được cảm nhận về mùa một cách rõ rệt theo cách như thế. Trái cây nào cũng theo mùa, rộ lên rồi lắng xuống. Con người sống thật nhịp nhàng theo sự uyển chuyển của đất trời, mùa nào thức đấy sẽ không lo bệnh tật.

Khi vùng trồng vải ngày một lan rộng, ngoài Hải Dương còn có Bắc Giang thì vải không còn quý hiếm như xưa, bây giờ nhà nhà được ăn vải vì giá rẻ. Đó là điều mừng nhưng lại rất ít người biết đến trái vải thiều chính cống hoặc không cần phải tôn vinh nó như một loài quý hiếm. Phải chăng vì vậy mà hơn hai phần ba vải thiều Hải Dương bây giờ được xuất đi Trung Quốc và nước ngoài, trong đó nhiều nhất vẫn là thị trường Trung Quốc. Ngày xưa là nạn cống vải, bây giờ người Việt mình không nhận ra giá trị để chấp nhận giá cao của vải thiều, đến nỗi vải đành tha hương cho nước ngoài thưởng thức là chính?

Đó là câu chuyện tương tự của dứa Đồng Dao, của hồng xiêm Xuân Đỉnh, của nhãn lồng Hưng Yên… Những đặc sản quý và thuần chủng của Việt Nam thường nhỏ chứ không to như loại đã lai giống, nhưng hương thơm và vị ngon ngọt của nó đủ để nhớ suốt cả cuộc đời.

Tại Hà Nội, cũng có nhiều nơi người ta trộn vải Thanh Hà với vải khác để tăng giá bán. Còn ở Sài Gòn, vải thiều Thanh Hà rất hiếm. Có lúc tôi lục tung thùng vải của người bán quen cũng tìm được trái vải Thanh Hà chính hiệu được người ta trộn vào. Ồ, giữa mùa hạ mà ăn trái vải thiều, tưởng như mùa xuân tràn trề nhựa sống đang về.