Người Hàn trọng đãi con cá này cũng phải thôi. Vì xứ họ, ở ngay đảo Jeju, có lần tôi đến khoảng mùa xuân, chỉ được ăn con cá khô bé xíu đem kho. Hỏi thì được trả lời dân Hàn quen sống tiết kiệm. Tháng ba, tháng tư mùa cá đù theo dòng nước ấm trẩy lên phương bắc cho đến tháng năm tháng sáu. Mùa hể hả bắt cá đù của ngư dân Hàn Quốc. Rồi, con cá trở thành món không thể thiếu trong các mâm cơm cúng ở đây.
Ngày xưa, ở những vùng duyên hải Việt Nam, cá đù chẳng có số má gì. Đó là lẽ sống của ngư dân nghèo đánh bắt ven bờ. Ngay cái tên đã nghe đầy tính dễ duôi. Ông Huình Tịnh Của còn ghi lại thành ngữ Lù đù ốc mít và giải thích là “cá vặt, cá tạp, hiểu về một loại cá lù đù”. Đù đỏ dạ ở Bạc Liêu còn gọi là đù cóc. Nhưng không chỉ đù đỏ dạ. Bọn nhà đù nhiều loài có bóng hơi lớn, dày. Tới “mùa yêu” chúng thường phát ra âm thanh trầm ột ột như cóc kêu. Đó là tiếng gọi bạn tình. Nên người Mỹ còn gọi chúng là “cái trống” (drum) hay croaker (kẻ kêu ột ột).
Một thời, khô cá đù, tuy mặn, nhưng để lại ấn tượng khó quên cho người Việt xa xứ mình ở xứ người khi trời trở lạnh thiệt lạnh. Những lúc ấy một miếng đù nhỏ chiêu với miếng cơm lớn dã mặn thấy ngon làm sao. Ngon cái ngon của một thời khốn khó, lấy cơm làm năng lượng “đốt” chính để nhọc nhằn kiếm cơm. Lúc này, miếng khô đù chiên lên thơm lùng bùng trong căn phòng máy lạnh thiếu máy hút mùi. Nướng lên càng thơm hơn. Lúc ấy mới nghe cồn cào nỗi nhớ... Nỗi ấy cộng hưởng với cái hài hoà của muối mặn và tinh bột ngọt.
Tôi vừa mách cho người bạn Việt kiều khô đù bán ở chợ Cầu Muối cũ, gần cầu Ông Lãnh. 100.000 đồng/kg. Bạn nhất định phải mua khô, vì khô một nắng không thể về đến Mỹ rồi gửi tiếp đường bưu điện cho người bạn khác đang thèm khô đù phát điên. Dầu nó mặn hơn khô một nắng nhiều và dân Mỹ vốn sợ muối do nhiều người mắc bệnh “cao máu”1. Chưa có công nghệ nào giúp người dân chuyển khô một nắng đi đến những người thân nghìn trùng xa cách, mất vài ngày đường. Xuất khẩu nỗi nhớ cũng đáng lắm chớ!
Thực ra, thời trước, chỉ có đù tươi, rạch khứa trên thân, ướp muối, sả, phơi nắng cho héo mặt, sau đó chiên giòn lên, là nồi cơm sạch trơn đến độ... không cần rửa. Cá lại giá rẻ, người nghèo cũng theo “hợp âm” rê thứ được với đù. Đánh giá cá đù, chỉ được món đó. Nhất là ngon hơn ở cái béo của phần đuôi đã đi vào trong câu ru của mẹ quê: Con cá lù đù có mỡ đằng đuôi.
Mấy năm gần đây, đù đi vào danh mục khô một nắng và ngoi lên hạng cao trong cuộc thi “olympic ngon quốc nội”. Một bữa đi Cần Giờ, được ăn bữa cơm vắt với cá đù một nắng chiên. Mọi người trong nhóm miệt mài ăn xong, bụng vừa căng, chẳng còn nhét thứ gì vào được. Ngon mà tránh sao khỏi miệt mài. So với cá dứa giá trên mây, lại bị cá tra giả danh, cá đù con nho nhỏ cỡ không đầy ba ngón tay bề ngang, thời buổi này, dễ ăn và ăn ngon.
Dân sành ăn cho biết cá đù làm ở Cần Thạnh không ngon bằng cá đù ở Đồng Hoà, xã Long Hoà, Cần Giờ. Vì Cần Thạnh không có bãi để phơi, nên toàn là cá sấy. Trong khi Đồng Hoà, đất trống rao bán chưa có người mua nhiều; con cá khô bằng cái nắng và cái gió, thịt ngon hơn, đã hơn.
Có kẻ sành hơn nữa, khăng khăng cho rằng cá đù một nắng Bình Đại, Bến Tre ngon hơn. Phải rồi, đù Bến Tre là loại thượng phẩm, lớn con, được xẻ bướm phơi. Đù cỡ không đầy ba ngón tay Cần Giờ làm sao sánh bằng loại đù đỏ dạ của xứ dừa mà dân Bạc Liêu khen rằng ăn ngon đến nhức răng.
Người Hàn mà biết con cá đù, theo họ có đủ bốn đức tính lễ, nghĩa, liêm và sĩ, ở Việt Nam rẻ là thế, chắc sẽ tính chuyện nhập khẩu...