Dân Việt

Người 65 năm tạc tượng Chămpa

Tùng Sơn 02/07/2014 08:44 GMT+7
Đến làng đá mỹ nghệ Non Nước ở Đà Nẵng, hỏi về người chuyên sáng tác những tác phẩm mô phỏng tượng Chămpa cổ thì ai cũng biết và tỏ lòng kính trọng, ngưỡng mộ. Đó là cụ Lê Bền (82 tuổi), chủ cơ sở sản xuất Vững Bền, người đã có 65 năm trong nghề tạc tượng Chămpa.

Thỏa đam mê

Đến thăm nơi sản xuất và trưng bày các tượng Chămpa của Nghệ nhân điêu khắc cổ truyền Lê Bền ở 71 Huyền Trân Công Chúa, phường Hoà Hải, Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng, trước mắt tôi, giữa một khoảng đất rộng thoai thoải là hàng trăm pho tượng Chămpa với nhiều kích cỡ, tư thế khác nhau được bài trí hài hoà với cây cảnh. Đó là một thế giới thần linh kỳ bí với tượng thần Indar, Siva, tượng vũ nữ, bò Nadin, chim thần Garuda… và đặc biệt không thể thiếu được trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa là những tượng Yoni và Linga, hệt như một viện bảo tàng Chămpa thu nhỏ.

Những tác phẩm này khiến người ta có cảm giác đang đứng giữa bốn bề u tịch của lòng tháp cổ Mỹ Sơn, những ngôi đền tháp thiêng trầm mặc với biết bao hoài cảm về thời hào hùng xưa. Những cổ tháp nhuốm màu thời gian, rêu phong nghiêng mình in bóng giữa đêm trăng huyền bí, cô tịch. Những huyền thoại về đền tháp không chỉ bởi sự bí ẩn về cách người Chămpa xây tháp, mà còn bởi nghệ thuật chạm khắc trên gạch, đá và mục kích những mặt tường tháp dày đặc những hình chạm khắc tinh tế, sinh động.

Chỉ vào những pho tượng Chămpa, cụ Bền nói như giãi bày: “Tôi làm nghề này không phải là kinh doanh làm giàu, mà cốt là để thoả mãn thú đam mê của bản thân về tượng Chămpa và lưu giữ, quảng bá những nét văn hoá truyền thống Chămpa xưa. Gia đình tôi đã lưu truyền nghề này được 4 đời…”.

Chẳng nhớ nổi, từ khi vào nghề đến nay, cụ đã tạc được bao nhiêu bức tượng Chămpa. Chỉ biết rằng, nó đều được trao, bán cho những người am hiểu và muốn lưu giữ chút gì đó tinh hoa của một nền văn hoá Chămpa độc đáo. Cụ còn cho biết, trước đây cụ đã từng dạy cho nhiều học trò làm tượng cổ Chămpa, nhưng do chạy theo lợi nhuận, số học trò của cụ theo nghề rơi rớt dần. Song niềm an ủi lớn đối với cụ Bền là hiện nay, 3 người con trai đã trưởng thành, đều nối nghiệp cha.

Giữ hồn tượng cổ Chămpa

Hiện tại, làng nghề đá Non Nước có khoảng 500 cơ sở sản xuất với hơn 3.000 nghệ nhân và nhân công làm việc, nhưng chỉ có gia đình cụ Bền là theo đuổi nghề phục chế tượng cổ Chămpa.

Các nghệ nhân ở làng nghề điêu khắc đá cho biết: “Điêu khắc tượng Chămpa phải dùng sa thạch ở Quảng Nam mới toát lên cái vẻ đẹp của tượng. Tuy nhiên, cái hồn của tượng chính là do bàn tay tài hoa của nghệ nhân tạo hình…”.

Để tâm hồn người nghệ sĩ “thẩm thấu” được cái đẹp của các pho tượng cổ Chămpa, lúc còn trẻ, khoẻ, cụ Bền thường đến khu di tích Mỹ Sơn – một vùng quê êm ả, thanh bình với những cánh đồng lúa chín vàng óng ả, ngọn núi Chúa cao vời vợi, với những tháp Hời rêu phong, hoang tàn đổ nát, những vũ nữ uyển chuyển trong điệu múa Apsara… Những hình ảnh ấy đã thấm sâu vào tâm hồn cụ, để sau này những sáng tác của cụ toát lên được cái hồn của tượng cổ Chămpa.

"Tôi làm nghề này không phải là kinh doanh làm giàu, mà cốt là để thoả mãn thú đam mê của bản thân về tượng Chămpa”.
Cụ Bền nói như giãi bày

Nhiều nghệ nhân làng đá cho biết, cụ Lê Bền từng là giáo viên dạy điêu khắc thực hành tại Trường Văn hoá nghệ thuật Quảng Nam – Đà Nẵng. Trong các công trình phục chế các tượng cổ ở Huế và nhiều nơi khác, nơi đâu cũng thường mời cụ tham gia. Tác phẩm lớn nhất của cụ Lê Bền là tạc tượng chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu dựng tại đài tưởng niệm Hội An, cao 5m, đặt trên bục cao 10m, bằng chất liệu sa thạch.

Nay, tuy tuổi đã cao, sức yếu, thi thoảng cụ Bền vẫn ra sau vườn để nhìn ngắm các pho tượng của mình hàng giờ mà không chán. Cụ bảo: “Hình như chúng biết nói, biết cười, biết cả suy tư”.