Dân Việt

Hồi ức khó tin về một Hà Nội “Đối mặt với B-52”

29/11/2012 17:43 GMT+7
Dân Việt - Cuốn sách được thực hiện công phu mang tên “Đối mặt với B-52” là chân dung một Hà Nội đối mặt với B-52 qua những đau thương mất mát và cả những cách thích ứng linh hoạt đến khó tin của người dân Hà Nội.

Cuốn sách dĩ nhiên có đủ các số liệu để trở thành một pho sử ký về cuộc đối mặt không cân sức năm nào, khi mà “Điện Biên Phủ trên không” đã là thất bại duy nhất của “pháo đài chiến lược” do hãng Boeing sản xuất trong nửa thế kỷ qua.

img
Trang bìa cuốn sách "Đối mặt với B-52" do Nhà xuất bản Trẻ thực hiện

“Đối mặt với B-52” được thực hiện với sự góp mặt của 116 nhân chứng, trong đó hơn 1/4 là dân sự. Nhân chứng trẻ nhất sinh năm 1966, mới 6 tuổi vào năm 1972 và nhân chứng nhiều tuổi nhất sinh năm 1910, khi ấy đã 62 tuổi. Hôm nay, họ kể lại câu chuyện đã từng chứng kiến, để người đọc bây giờ có thể thốt lên: “Người Hà Nội những năm tháng ấy đáng phục làm sao!”

Buổi ra mắt cuốn sách “Đối mặt với B-52” và gặp gỡ một số nhân chứng lịch sử của 12 ngày đêm tháng Chạp 1972 - nhân vật của cuốn sách, sẽ bắt đầu vào lúc 9h sáng 4.12.2012 tại Thư viện Hà Nội, 47 Bà Triệu (Hà Nội).

Với ba phần, cuốn sách đi theo mạch thời gian từ thời điểm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại, dựng lại bối cảnh cuộc sống của người Hà Nội những năm 1966-1972 và quá trình Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu làm thế nào để hạ được "pháp đài bay" B-52. Tiếp theo là quãng thời gian 12 ngày đêm với cuộc chiến chống lực lượng hùng hậu máy bay của Không quân và Hải quân Mỹ cũng như sự đối phó của những người Hà Nội còn ở lại Thủ đô.

Và phần ba là câu chuyện của Hiệp định Paris dưới tác động của “Điện Biên Phủ trên không” cũng như điểm qua quá trình đàm phán gần 5 năm của cuộc chiến ngoại giao gian khổ lâu dài hiếm có để có được hòa bình lập lại trên miền Bắc. Cuốn sách cũng không quên hồi tưởng về cuộc sống ở Hà Nội những ngày hòa bình trở lại đó. Xuyên suốt nội dung, người đọc cảm nhận được một hành trình không quá một thập niên nhưng có lẽ dài bằng cả nửa đời người.

Tham gia biên soạn cuốn sách này là nhà báo, đại tá Nguyễn Xuân Mai - nhân chứng sống của những ngày tháng hào hùng, nguyên Tổng biên tập báo Phòng không - Không quân. Ông đã trực tiếp tham gia đưa tin bài, ảnh phản ánh quá trình chuẩn bị đánh B-52 của Quân chủng Phòng không - Không quân cũng như diễn biến của 12 ngày đêm cuối năm 1972; cùng với đó là những nhà báo, họa sĩ hoặc còn nhỏ, hoặc chưa sinh ở thời điểm năm 1972, nhưng đều là những người cùng chia sẻ mối quan tâm đến giai đoạn lịch sử đặc biệt này của cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Những người biên soạn chia sẻ rằng họ “không có tham vọng làm thay việc của các nhà nghiên cứu lịch sử, chỉ cố gắng ghi lại một cách đầy đủ và trung thực nhất những hồi ức, tư liệu của các nhân chứng… Ghi lại để chia sẻ”.