Palestine đã trải qua một chặng đường dài với hi vọng về ngày được công nhận là quốc gia độc lập.
Kết quả bỏ phiếu được công bố vào ngày 30.11. Bên cạnh những tuyên bố ủng hộ, những cảnh báo Palestine sẽ phải trả giá đắt được đưa ra, một số nước cũng đã ra điều kiện với Palestine để đổi lấy phiếu ủng hộ.
Cho dù, không thể dành được sự ủng hộ của tất cả 193 nước, nhưng người Palestine hy vọng dùng vị thế đươc nâng cao của mình để gia nhập các cơ quan phụ của LHQ như Tòa án Tội phạm Quốc tế, nơi họ có thể kiện Israel về các tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại nhân loại.
193 thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu về việc nâng cấp quy chế cho Palestine từ thực thể quan sát viên lên nhà nước quan sát phi thành viên sau khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu và giới thiệu sơ qua về dự thảo nghị quyết.
Theo dự thảo nghị quyết về nâng cấp quy chế tại Liên Hợp Quốc, Palestine đã đề nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chấp thuận nước này là một nhà nước quan sát viên, thành lập một Nhà nước Palestine với các đường biên giới năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem.
Sau khi bị bác yêu cầu trở thành thành viên đầy đủ mà Palestine đưa ra hồi năm 2011, người dân Palestine càng tỏ ra nỗ lực hơn khi từng bước nâng cấp vị thế của đất nước họ.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas là tác giả của bản dự thảo. Ảnh CNN |
Dự thảo nghị quyết cũng nhấn mạnh sự cấp thiết nối lại các cuộc hòa đàm bị đình trệ từ tháng 9.2010 sau khi Israel từ chối đề nghị của Palestine gia hạn lệnh tạm ngừng mở rộng các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng.
Một ngày trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức diễn ra, theo ước tính đã có đến 2/3 số phiếu ủng hộ cho Palestine. Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy, Đan Mạch, Hy Lạp và Thụy Sĩ là những nước Châu Âu ủng hộ mạnh mẽ việc Palestine nâng cấp quy chế tại LHQ. Tuy nhiên, trái lại, Mỹ là nước phản đối kịch liệt nhất với những lời đe dọa thẳng thừng. Ngày 28.11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng đây là một sai lầm và hoàn toàn phản đối biện pháp này”.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng ngày khẳng định con đường duy nhất hướng tới nhà nước Palestine là thông qua đàm phán. Bà Hillary cũng nhấn mạnh rằng, con đường hướng đến giải pháp hai nhà nước đáp ứng các nguyện vọng của người Palestine là thông qua Jerusalem và Ramallah, chứ không phải là New York.
Bình luận trên CNN ngày 29.11, ông Aaron David Miller, phó chủ tịch Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson cho rằng, việc Palestine được nâng cấp quy chế tại LHQ cũng “không thay đổi được điều gì”, thậm chí, người Palestine còn phải trả giá đắt cho chính nỗ lực của họ.
Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng nói rằng phản đối đề nghị của Palestine và ủng hộ giải pháp hai nhà nước với việc Palestine quay trở lại bàn đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện với Israel.
Trước đó, Anh đã dọa sẽ bỏ phiếu trắng trừ khi Palestine đồng ý đàm phán vô điều kiện với Israel về giải pháp hai nhà nước lâu dài, cũng như cam kết không kiện Israel về những tội ác chiến tranh ra Tòa án Hình sự Quốc tế. Đức cũng đã tuyên bố sẽ không bỏ phiếu ủng hộ nỗ lực của Palestine.
Quang Minh (tổng hợp)