Ông già không biết chữ mà có tài kể chuyện phát mê. Hồi nhỏ tôi học văn, thích đọc truyện, cũng được vào đội tuyển giỏi văn cấp trường, cấp huyện; nhưng thời khó khăn, đâu có được sách, báo nhiều như bây giờ, vớ được quyển sách cũ mèm, sờn ráy là mân mê đọc ngấu nghiến. Kiến thức văn chương, chữ nghĩa của tôi có được phần lớn nhờ… nghe ông Tư kể chuyện đời xưa.
Ông Tư Hộ không kể chuyện ma (con nít thường sợ ma, nhưng rất thích nghe chuyện ma). Chuyện của ông từ Nhị thập tứ hiếu, tích Tàu thuần Việt đến chuyện kể bình dân không rõ tác giả... tất thảy đều rất hấp dẫn bọn trẻ con. Trong số đó có nhiều truyện của Hồ Biểu Chánh, các “phiên bản truyền miệng” như: Ngọn cỏ gió đùa, Chúa tàu Kim Quy, Lời thề trước miếu, Nhà giàu - nhà nghèo… có sức hấp dẫn lạ thường.
Sau này, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh được tái bản như một hiện tượng sách; tôi được đọc nhiều hơn, càng thích, yêu tài sử dụng phương ngữ Nam Bộ, cảm cụ viết như dân lục tỉnh xưa nói chuyện mà càng phục ông Tư Hộ kể chuyện xưa.
Khác thời xưa xa vắng, con gái tôi bây giờ mới học lớp hai đã có “phây” để tâm tình, “chát, chít” với bạn bè. Rời bỏ những trang nhật ký trên giấy học trò ngày nào, các cô cậu ngày nay ở đâu cũng bấm điện thoại lên facebook.
Thay cho không gian truyện cổ tích, chuyện kể đời xưa là không gian ảo của thế giới mạng ngày nay. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, truyền thông, Internet,… là thành tựu chung của nhân loại, nhưng cũng có thể là con đường tội lỗi của nhiều người. Không ít trẻ con trầm cảm, tự kỷ hiện sống trong thế giới ảo giữa đời thực. Không ít những án mạng thương tâm đã xảy ra mà nguyên nhân từ việc sử dụng tràn lan, vượt quá sự kiểm soát cần thiết các phương tiện nghe, nhìn, bấm ngón tay của con trẻ ngày nay.
Giữa ồn ào phố chợ, giữa ngồn ngộn thông tin hàng ngày, tôi bỗng nhớ lại không gian ruộng đồng, làng quê miền Tây yên ả này xưa và văng vẳng tiếng kể chuyện đời xưa của ông già quê để còn có thể ngẫm chuyện nay.