Dân Việt

Thị trường cà phê lon nguy cơ chưa nở đã tàn

04/07/2014 07:40 GMT+7
Các tín đồ cà phê Starbucks mới đây khá hào hứng khi dòng sản phẩm cà phê đóng chai có mặt ở Việt Nam.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của "ông lớn" này được dự báo sẽ chung cảnh ngộ khó khăn của thị trường cà phê dạng lon tại Việt Nam sau 7 năm có mặt.

Bắt đầu vào thị trường Việt từ năm 2008, sản phẩm cà phê lon được Ajinomoto đem về nhằm tìm phân khúc khách hàng mới cho thị trường. Một năm sau đó Nestle (Thụy Sĩ) cũng muốn chia miếng bánh và nhanh chân đặt cơ sở sản xuất sản phẩm cà phê lon ngay tại nhà máy ở tỉnh Đồng Nai. Thời kỳ ấy, đơn vị này còn thực hiện chương trình uống thử miễn phí 100.000 lon tại các siêu thị, trường đại học và một số tụ điểm mua sắm, giải trí.

Thấy hai "đại gia" ngoại trong ngành thực phẩm chen chân vào phân khúc mới, ông lớn Vinamilk không muốn mất cơ hội nên một năm sau đó đã đầu tư 20 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất cà phê với các sản phẩm cà phê rang xay, hòa tan và lon. Cùng thời gian này, thị trường còn có thêm các gương mặt mới là cà phê sữa đóng chai của Tân Hiệp Phát và cà phê lon Highlands Coffee.

Duy trì được một thời gian, Vinamilk đã bán lại Nhà máy cà phê Sài Gòn cho Trung Nguyên. Đến giữa năm 2011, sự cố 31.000 sản phẩm cà phê lon của Highlands Coffee in lại hạn sử dụng trên vỏ lon khiến người tiêu dùng ái ngại, dẫn đến sức tiêu thụ của sản phẩm này dần mất dấu ấn.

img

Cà phê lon ít được người tiêu dùng để tâm. 

Mới đây Trung Nguyên và Starbucks, Dao Coffe cũng chen chân vào giành thị phần. Trung Nguyên cho ra sản phẩm cà phê tươi đóng chai và hộp giấy với dung lượng 500ml-1lít. Gần đây nhất, cà phê đóng lon của Starbucks cũng xuất hiện ở thị trường Việt Nam với giá 65.000-80.000 đồng, cao gấp 7 lần so với các loại cà phê lon của các hãng khác. Đại diện Starbucks tại Việt Nam cho biết cà phê Starbucks lon là do một đơn vị khác nhập khẩu vào nên chưa nở rộ lắm ở Việt Nam.

Dù xuất hiện khá dày đặc với sản phẩm đa dạng và quảng cáo rầm rộ trong thời gian dài, tuy nhiên, cà phê lon cho tới nay vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Nhiều sản phẩm thậm chí đã mất hút khỏi thị trường.

Khảo sát của PV ở các hệ thống siêu thị và đại lý TP HCM, hầu hết sản phẩm cà phê lon của các thương hiệu lớn đã khuất bóng, chỉ còn một số xuất hiện trên kệ, và chiếm một vị trí nhỏ trong gian hàng đồ uống.

Nhân viên quản lý quầy đồ uống của Big C tại quận 2 cho biết cả mấy tháng nay siêu thị không lấy hàng mới, các sản phẩm cà phê lon trên kệ hầu như không có khách để ý. Hiện tại, hệ thống siêu thị này cũng chỉ đặt hàng với số lượng khiêm tốn và đặt ở góc nhỏ trong kệ đồ uống.

"Trong kho hiện cũng chỉ dự trữ 2-3 thùng, bởi lẽ, hàng bán không được nên siêu thị không dám trữ nhiều”, nhân viên tại đây cho hay.

Còn tại Co.opmart, trên kệ đồ uống chỉ còn xuất hiện cà phê Birdy của Ajinomoto. Theo nhân viên ở đây, loại cà phê lon này cũng hiếm khi được người tiêu dùng lựa chọn, và trên kệ cũng chỉ có vài chục lon được trưng bày.

Khi mới ra thị trường sản phẩm cà phê lon Birdy loại 170ml có giá 9.000 đồng thì nay chỉ còn 7.900 đồng.

Đại diện Công ty cà phê Trung Nguyên cho biết, hiện lượng cà phê tươi đóng chai của công ty tiêu thụ chậm, số lượng khá khiêm tốn. Công ty cũng đang giảm giá sản phẩm để kích cầu sức mua, tuy nhiên, cà phê phin và hòa tan vẫn là 2 sản phẩm  trụ cột. Mục đích công ty ra đời sản phẩm chai là để đa dạng hóa sản phẩm mở rộng thị phần. Tuy nhiên, thói quen này vẫn chưa được người tiêu dùng chấp nhận nhiều nên sản lượng và sức tiêu thụ còn thấp.

Cà phê lon không chỉ mất dấu ấn trong siêu thị, mà tại các đại lý nước giải khát TP HCM cũng không còn sức hút.

Chủ đại lý nước giải khát trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) cho biết, cách đây một năm, mỗi tháng đại lý này còn nhận một thùng để bán cho khách nhưng vì quá ế ẩm, mấy tháng mà không thấy khách hỏi nên chị đã không lấy hàng kể từ thời điểm đó.

Còn chị Thanh, chủ đại lý tạp hóa tại chợ Văn Thánh cũng cho hay, ban đầu thấy một số nhân viên cà phê lon chào hàng với giá ưu đãi và chiết khấu tốt nên chị nhận hàng. Thời kỳ đầu cũng giới thiệu với một số khách quen chuyên mua cà phê hòa tan, tuy nhiên, sau lần mua thử nghiệm đầu tiên, khách hàng không ưng ý với sản phẩm nên chị đã không lấy hàng nữa. Từ đó đến nay cửa hàng chị chỉ bán cà phê bột và cà phê hòa tan.

Anh Hùng, một khách hàng đã từng sử dụng sản phẩm cà phê lon cho hay, trước đây, khi du học bên Mỹ, anh thường uống cà phê lon của Starbucks vì xung quanh  không có quán cà phê nào.

"Vì lý do bất khả kháng tôi mới uống, chứ bình thường không thích cà phê lon. Bởi lẽ, hương vị cũng như chất lượng sản phẩm không hợp với khẩu vị của tôi, giá lại cao. Mặt khác, ở thị trường Việt Nam cà phê tươi có mặt trên mọi nẻo đường nên không nhất thiết phải mua sản phẩm pha sẵn", anh Hùng nói.

Ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Cà phê Việt Nam đánh giá, hương vị của cà phê lon chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Khẩu vị của người Việt Nam khác với các nước khác trên thế giới, nên việc cà phê lon không được ủng hộ nhiều ở thị trường Việt Nam là lẽ tất nhiên.

Xu hướng của người tiêu dùng là thích sử dụng cà phê rang xay, nguyên chất, vị đậm đà. Mặt khác, giá cả sản phẩm này không có chênh lệch nhiều so với cà phê rang xay tại chỗ nên khó có thể cạnh tranh được trên thị trường. Còn đối với sản phẩm cà phê lon của Starbucks, có chăng cũng chỉ đáp ứng số nhỏ du khách ngoại quốc, vì giá sản phẩm này quá cao so với nhu cầu của thị trường.

"Với thị hiếu của người Việt Nam, cà phê phin và hòa tan vẫn là lựa chọn tối ưu ngay cả trong tương lai. Cà phê lon dù không biến mất khỏi thị trường, nhưng cũng sẽ khó có đầu ra tốt", ông Nhạn nói.