Vừa bước lên sàn đã thấy gia chủ vừa châm thuốc hút chỉ đám dụng cụ đánh cá than thở vừa định ra suối đã gặp mưa. Trong cuộc trò chuyện bên ấm trà xanh, mấy bắp ngô nướng cũng chẳng thể làm chúng tôi với đi cái đói đang cồn cào. Ngồi trên sàn nhìn ra bốn phía chỉ thấy mưa trắng trời, mưa xói đất mà chẳng có cơ hội đi chợ huyện hay kiếm thức gì cho bữa trưa muộn trong tiếng mưa ồn ã trên mái ngói.
Bất ngờ, anh thò tay lên gác bếp lôi thứ gì đó xuống đen màu bồ hóng. Khi cầm lên chúng tôi cùng nhận ra những chú chuột hun khói. Tự hào với món lương khô hấp dẫn phòng ngày mưa gió, anh kể: bà con ở miền núi rừng này đâu chỉ có những ngày nắng vàng tha hồ săn thú, bắt cá suối mà còn có những ngày mưa rầm cả tuần lễ. Những lúc ấy chỉ có những chú chuột khô mới thật ý nghĩa. Không phải tốn nhiều tiền như thịt lợn, thịt trâu lại có hương vị hấp dẫn.
Vì thế, dẫu là hôm đang có cá nướng, thịt muối chua nhưng đi nương bà con vẫn không quên đặt bẫy chuột. Chuột sống mang vể được bỏ vào nước sôi tầm vài phút cho chết hẳn. Sau đó đem ra vặt lông hệt như cách vặt lông gà của người miền xuôi. Tuy nhiên do lớp lông của chuột dầy nên còn phải đem vào bếp thui cho sạch rồi mới đem mổ bụng chuột, lọc bỏ nội tạng, chờ ráo nước mới đặt lên gác bếp.
Chuột khô trên gác bếp được bảo quản bằng thứ nhiệt lượng đều đặn hàng ngày và lớp bồ hóng nên không bị ẩm mốc. Khi chúng tôi đem rửa sạch vẫn thấy những thớ thịt khô cong. Lúc này chủ nhà mới ướp chuột khô với gừng, mắm muối, đem xào với hoa chuối thái nhỏ và và bưng lên mâm.
Món thịt chuột khô hôm ấy trở thành kỉ niệm khó quên của chúng tôi trong lần đi lên miền rừng ấy. Có lẽ trong khó khăn bà con đã tìm ra những thức ăn dự trữ khi giáp hạt, lỡ bữa. Nhưng với chúng tôi đó là món ăn mang đậm bản sắc núi rừng và hết sức bình dị mà độc đáo.