21 giờ đêm, từng đoàn xe tải nhẹ bắt đầu trút từng thùng trái cây xuống chợ đầu mối nông sản Tam Bình, quận Thủ Đức. Mùa này, loại trái cây về chợ nhiều nhất vẫn là chôm chôm, mít, thanh long, sapôchê, măng cụt, xoài, bưởi, thơm... được chuyển đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông…
Qua quan sát, chúng tôi thấy trái cây được nhét đầy ắp trong các thùng xốp, các sọt tre, bên trên bề mặt phủ lên vài tàu lá chuối hoặc giấy báo. Các thùng, sọt trái cây xếp đầy kín cả thùng xe, đội quân vận chuyển thuê ở chợ Tam Bình cứ thế bê từng thùng ném xuống đất, sau đó có một nhóm người ở dưới đưa lên xe đẩy về các vựa.
Chủ một vựa trái cây vừa “khui” từng thùng trái cây ra vừa nói: cách bảo quản như vậy nên trái cây thường bị giập, bị móp, tạo điều kiện cho vi khuẩn thâm nhập nên tỷ lệ hư thối đưa về đây chiếm đến 5 – 10%.
Ngoài ra, cho dù trái cây nội có chất lượng vượt trội, nhưng với cách bảo quản cẩu thả như vậy nên tiểu thương mua lẻ và cả người tiêu dùng vẫn có cảm giác đó là hàng bình dân.
Trung bình mỗi đêm có đến 3.200 – 3.400 tấn trái cây nhập về chợ đầu mối nông sản Tam Bình; có hôm vào ngày rằm, ngày lễ tăng lên 4.000 tấn. Nếu tính thêm lượng trái cây vận chuyển về chợ Bình Điền (quận 8), chợ Tân Xuân (Hóc Môn), thì người dân TP.HCM đang ăn không dưới 5.000 tấn trái cây/ngày.
Một thị trường có 10 triệu dân như TP.HCM, có mức sống cao hàng đầu so với cả nước, không thể nói là không có tiềm năng để tiêu thụ trái cây. Ấy vậy mà, cái thứ trái cây mà giới tiểu thương, nhà vườn, doanh nghiệp đưa đến bán chỉ được xem như một loại hàng xá, đóng gói qua loa. Nhiều mặt hàng ở vựa trông rất đẹp mắt, nhưng về đến chợ lại xuống mã, xuống sắc hẳn.
Vào hệ thống siêu thị, dễ nhận thấy trái cây nội được bố trí vào một gian hàng riêng, chất thành mớ, thành đống xô bồ cho người dùng lựa chọn. Có nhiều loại trái cây sau nhiều ngày bị người tiêu dùng đào lên, bới xuống thì bị bầm giập, bị méo mó, trầy xước, mặt da ngoài bị sạm, bị hư hỏng.
Sau khi xem kỹ một vòng ở khu vực bán trái cây nội và ngoại, chị Sử, người dân ở phường Linh Trung, đi siêu thị Co.opmart quận 9, nhận xét: “Cách bảo quản trái cậy nội như vậy chẳng khác gì chúng ta đang tự hạ thấp mình. Nhìn quả măng cụt, quả cam, quả dưa nằm lăn lóc trên sạp như vậy mà tui thấy đau lòng. Người tiêu dùng đôi khi cũng thiếu ý thức, họ cứ vào gian hàng là dùng tay xới tung cả lên. Trái cây tươi là thứ dễ vỡ, dễ giập mà đảo mạnh tay như vậy thì còn gì nữa!”
Nhiều ngày lặn lội đến các vựa trái cây, kể cả khu vực “sang” nhất là chợ Bến Thành, cũng không có sạp nào trang bị tủ mát để bảo quản trái cây nội. Và cũng không có loại trái cây nào có nhãn mác, địa chỉ sản xuất.