Dân Việt

Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ 1.7: Dân đỡ khổ vì hết thu hồi đất tràn lan

Luật Đất đai (sửa đổi) có những quy định cụ thể về việc thu hồi đất, giúp ngăn chặn tình trạng lạm quyền, tham nhũng… đất đai; quyền, lợi ích chính đáng của người sử dụng đất cũng được Nhà nước bảo vệ chắc chắn hơn...    

Mất đất, mất cả miếng cơm

Năm 2005, Nhà máy Thủy điện An Khê – Ka Nak khởi công xây dựng, gần 100ha đất của làng Groi, thị trấn Ka Nak (Kbang, Gia Lai) bị thu hồi. Dân bị dồn về những khu tái định cư chẳng ai thèm ở vì thiếu đất sản xuất hoặc đất quá xấu chẳng trồng nổi cây gì. Hệ lụy nhãn tiền là đói nghèo và khiếu kiện kéo dài. “Nhà tôi đã mất hết 5ha đất, chẳng còn đất để làm. Dân không có đất thì lấy gì mà ăn. Giờ dân làng Groi đói lắm” - ông Đinh H’Dươm tố khổ.

Cũng tình trạng chờ đất giống như làng Groi, khu tái định cư làng Krói 1, xã Đăk Smar (Kbang) là những “hộp” xi măng nhỏ nằm san sát, cửa đóng then cài im ỉm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá. Già Đinh Rai, làng Krói 1 cho biết: “Sau khi giao đất cho thủy điện, gia đình mình chỉ còn chưa tới 4 sào đất, trong khi đất mới vẫn chưa được cấp. Giờ cả nhà 6 người chỉ trông chờ vào mấy sào đất nên khó khăn lắm”.

Khi được biết Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định rõ ràng về việc thu hồi đất, nhiều người dân hồ hởi nói: “Vậy là chúng tôi đỡ khổ rồi”. Anh Đinh Plan, làng Groi tâm sự: “Khi mới đến thu hồi đất, người ta hứa là sẽ đền bù đất sản xuất. Dân làng chúng tôi đợi mãi chẳng thấy đất đâu cả. Theo Luật Đất đai (sửa đổi), khi đất nông nghiệp bị thu hồi thì sẽ được Nhà nước bồi thường đất nông nghiệp, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền... Nhưng đất của chúng tôi bị thu hồi đã lâu, không rõ nay có được áp dụng quy định mới để bồi thường không?”.

Không giống ở Gia Lai, vài năm trở lại đây, ở ĐBSCL có rất nhiều dự án “treo”. Chỉ tính riêng trong năm 2013, TP.Cần Thơ đã thu hồi khoảng 50 dự án để… “treo”. Trong đó, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Cồn Khương (quận Ninh Kiều) có diện tích 18ha, được triển khai trong nhiều năm, đến nay phần lớn vẫn bỏ hoang.

Tại ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm (Châu Thành, Hậu Giang) có hàng chục hộ đã và đang chịu ảnh hưởng bởi việc quy hoạch xây dựng Trung tâm Điện lực Sông Hậu. Trung tâm này đã được khởi công xây dựng từ tháng 7.2010 trên diện tích hàng trăm ha nhưng đến nay vẫn là bãi đất hoang. Ông Huỳnh Văn Nhiễu, ấp Phú Xuân buồn rầu nói: “Năm 2010, chính quyền địa phương nói khu đất nhà tôi nằm trong quy hoạch làm dự án nên tiến hành đo đạc, thống kê tài sản và 6 công đất trồng cam để bồi thường. Nhưng đến nay tôi vẫn không thấy ai đến bồi thường. Bao nhiêu năm nay gia đình tôi sống cảnh “cá nằm trên thớt”, chẳng làm ăn được gì. Hy vọng quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) xử lý dứt điểm dự án treo, để gia đình chúng tôi “an cư lạc nghiệp”...

Cụ thể hóa việc thu hồi đất, hạn chế lạm quyền

Theo thạc sĩ luật Nguyễn Đức Hùng (Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự): Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cơ chế Nhà nước thu hồi đất được cụ thể hơn và tiến bộ hơn. Việc thu hồi đất được kiểm soát chặt chẽ hơn, thu hẹp hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Quy định này sẽ hạn chế được tình trạng lạm quyền, tham nhũng đất đai, tránh được tình trạng thu hồi đất tràn lan, không phát huy hiệu quả, đẩy người dân lâm vào tình trạng nghèo đói, không có việc làm vì mất tư liệu sản xuất…

Theo Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật Đức An (Hà Nội), trường hợp người dân bị di chuyển đến khu tái định cư để làm thủy điện, nhưng không có đất sản xuất thì Khoản 6, Điều 210, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: Đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng theo quy định của luật này. Trường hợp những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt”.

Cụ thể: Quy định thu hồi đất đai phục vụ lợi ích công cộng và sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế tại Điều 39, 40 Luật Đất đai năm 2003 rất chung chung nên nảy sinh nhiều tiêu cực. Nhiều người bị mất đất, nhận tiền đền bù ít ỏi, mấy năm sau thành tay trắng… Nay Điều 62, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rất cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, Nhà nước chỉ thu hồi đất khi thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư; thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.

Ngoài những trường hợp trên, khi lấy đất nhà đầu tư phải thỏa thuận với người sử dụng đất. Ngoài ra trình tự thủ tục thu hồi đất… cũng minh bạch, công khai, dân chủ hơn. Người dân được lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, được tham gia vào quá trình kiểm đếm sâu hơn, rộng hơn khi bị thu hồi đất.

Những quy định về cưỡng chế thu hồi đất cũng cụ thể, công khai và chặt chẽ hơn. Tất nhiên sẽ có những văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể về việc thu hồi đất, nhưng việc đưa vào luật những quy định cụ thể sẽ hạn chế được rất nhiều những tiêu cực trong việc thu hồi đất; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất được đảm bảo chắc chắn hơn.