Dân Việt

Nông dân góp tiền nuôi đội chèo

Mỵ Lương 04/07/2014 07:01 GMT+7
Sau hơn 20 năm ngừng hoạt động, đội chèo làng An Phú (xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) được gây dựng lại. Những người nông dân - nghệ sĩ tự góp tiền, góp gạo nuôi chèo...

Nông dân say mê với hát chèo

Đối với người dân Thái Bình nói chung và nhân dân làng An Phú nói riêng, hát chèo từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được. Trước đây, có người dùng lời ca, tiếng hát, những làn điệu chèo để mưu sinh, kiếm sống. Tình yêu đối với hát chèo đã được nhen nhóm qua nhiều thế hệ. Không chỉ hát phục vụ bà con trong làng, đội chèo của làng An Phú còn được nhân dân gần xa biết đến.

Ông Nguyễn Xuân Lựu- hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cố vấn của Đội chèo An Phú cho hay: “Chèo An Phú vốn có truyền thống lâu đời nhưng cũng đã mất 20 năm ngừng lại, đến lúc tái lập mới thấy bà con nơi đây thực sự mê chèo. Diễn viên trên sân khấu diễn chèo thì khán giả ở dưới đập nhịp theo. Khi diễn vở chèo như: “Lưu Bình Dương Lễ”, “Quan Âm Thị Kính”, “Tấm Cám”… diễn viên quên lời có khi khán giả nhắc lời cho. Đêm diễn của đoàn không hôm nào là vắng khách, khi nào khán giả đến cũng phải chiếm hơn 2/3 sân đình”.

Những người nghệ sĩ – nông dân ban ngày trồng lúa nhổ khoai, buổi tối vẫn tích cực tham gia tập luyện hát chèo thường xuyên. Các buổi tập của đội chèo được diễn ra tại đình làng An Phú. “Có chị em đi chợ quanh năm, nhưng đến giờ tập mọi người vẫn cứ tham gia. Khi tập xong chị em lại về sắp xếp hàng để ngày mai đi chợ sớm. Điều thu nhận được sau mỗi lần nhận lời mời đi lưu diễn là tấm lòng của bà con nhân dân nơi đó. Có khi chỉ là bữa cơm chay nhưng cả đoàn đều cảm thấy vui vẻ” - bà Nguyễn Thị Chiến- Đội trưởng Đội chèo An Phú cho biết.

Cặp đôi nghệ sĩ - nông dân gắn bó hơn 40 năm với hát chèo là hai bác Nguyễn Thị Chiến và Đỗ Xuân Khoát. Họ nên duyên vợ chồng cũng chính từ những lần hát chèo giao duyên. Niềm đam mê với những làn điệu chèo được truyền lại cho cô cháu gái. Đỗ Thị Lan Anh - học sinh 7C, Trường THCS Quỳnh Hải cho hay: “Ngay từ nhỏ em đã thích những làn điệu chèo. Những tiết mục chèo em đã biểu diễn khiến em không thể quên được như: “Lới lơ lời cổ”, “Hát cách”, “Đò đưa”... Khi rảnh rỗi, ông em lại chơi nhạc để hai bà cháu cùng ngồi hát chèo”.

7 triệu đồng giúp đội chèo vượt khó

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, đội chèo làng An Phú được thành lập chủ yếu do tiền đóng gạo góp của nhân dân mà ra. Ông Nguyễn Xuân Lựu tâm sự: “Thời gian đầu hoạt động, đội chèo thiếu thốn mọi thứ: Sân khấu, trang phục, diễn viên... Điều kiện địa phương cũng không có nhiều. Vì vậy chẳng còn cách nào khác là hô hào bà con. Số tiền thu được là hơn 7 triệu đồng chỉ sau một tuần phát động mọi người đóng góp. Từ đó, đoàn chèo có “vốn” để đi vào hoạt động. Đôi khi đi xin quyên góp, lên danh sách rồi nhưng tối đến bà con đến vẫn tặng thêm cho đội chèo là điều thường thấy. Đó là động lực để thành viên trong đội chèo vượt khó, vượt khổ để không phụ lòng khán giả”.

Hiện nay, Đội chèo làng An Phú có 25 thành viên (15 diễn viên, còn lại là đạo diễn, nhạc công...). Nói đến thu nhập, nhiều thành viên trong đội không khỏi ngậm ngùi. Ông Lựu, đạo diễn đội chèo “tay chém, vai vác, đầu đội” với những công việc từ biên tập, viết kịch bản đến đánh nhạc. Nói về mình, ông Lựu chia sẻ: “Như bản thân tôi có thể nói là 100% ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng và cả đội văn nghệ cũng vậy”.

"Ở đâu người ta có mời đi diễn, mời ăn cơm, có món quà nhưng nó không mang tính chất thu nhập. Diễn viên tự túc gần như tất cả, có người còn bỏ ra 2 triệu để tự sắm sửa quần áo cho vai diễn”.
Ông Nguyễn Xuân Lựu
“Đội chèo nghèo lắm! Có khi thuê loa máy đã hết 1,5- 2 triệu đồng. Chúng tôi cũng chẳng được ăn bữa cơm tập thể cùng anh em đâu. Tiền thu về có khi chỉ đủ thuê loa máy và son phấn thôi… Cũng may với đội chèo là có ông trưởng thôn là người tâm huyết đối với nghệ thuật chèo” – bà Nguyễn Thị Chiến cho hay.

 

Khó khăn lớn nhất với đội chèo là hệ thống âm thanh. Mỗi lần đội biểu diễn là một lần ban tổ chức phải đi thuê loa máy. Các thành viên đội chèo đều mong muốn, giá như có một bộ trang âm hoàn chỉnh, công việc biểu diễn phục vụ sẽ tốt hơn...