Dân Việt

Chuyện tình lao lý của đứa con người trồng điều

Nguyễn Thanh Nhã 05/07/2014 09:00 GMT+7
Nắng chan chát trên đỉnh đầu, không đủ xua tan nỗi buồn u uất của lão nông Võ Tấn Minh (xã Phú An, Tân Phú, Đồng Nai) khi nghĩ về đứa con trai vướng vào vòng lao lý chỉ vì “lấy phải vợ chưa đủ tuổi trưởng thành”, án 3 năm 6 tháng tù.

Giấc mơ đời thương hồ

Con trai ông là Võ Tấn Mẫn, sinh năm 1980. Người được bà con chòm xóm khen là hiền và dễ thương nhất xứ. Bốn người con gái lấy chồng ở xa. Vợ ông Minh đau ốm triền miên phải về quê tá túc nhà bà con để điều trị. Mẫn ở với cha và chăm sóc 1ha điều nằm chênh vênh trên sườn núi.

Đời ông Minh xuôi ngược. Quá hai phần ba đời người vẫn chưa có được miếng đất chọi chim. Ngày cưới vợ, ông được cha mẹ cho một chiếc ghe. Thế rồi cả gia đình nhỏ dắt díu nhau sống kiếp thương hồ. Nay mua lúa Đồng Tháp, mai lặn lội chống chèo sang bán đất Miên kiếm lời để nuôi 5 đứa con.

Tính ông Minh hiền. Dân tứ chiếng nhưng cái bụng xuề xòa, chân chất được nhiều người thương. Trong đó có một lão nông ở huyện Tân Phú, Đồng Nai vô tình gặp trên bước mưu sinh. Người này nhận ông Minh làm con nuôi, rồi cho 1ha đất ở lưng chừng núi. Thế là ông Minh dắt díu vợ con giã biệt đời phù sinh những ngày sông nước về lập nghiệp ở Đồng Nai. Cuộc đời phẳng lặng, êm đềm, cần cù bên cánh rừng khai hoang cho tới ngày Mẫn gặp cuộc tình oan trái, vướng vòng lao lý, phủ luôn nỗi quặn lòng xuống những kiếp người tội nghiệp.

Chuyện tình anh trai làng

Suốt ngày cặm cụi trên rừng, rồi một lần Mẫn nhận thấy mình qua tuổi 30 và muốn làm một người đàn ông, thèm một mái ấm.

Cách nhà Mẫn 100 mét là nhà ông Nguyễn Văn Linh, hơn Mẫn 5 tuổi, là anh em xóm giềng. Mỗi bận Mẫn đi rẫy về ngang nhà, ông Linh khà khà men rượu trêu đùa: “Mày dám gọi một tiếng cha. Tao gả con gái cho”. Riết rồi cô gái mới lớn của ông Linh tên là L và Mẫn bắt đầu để ý nhau. Tình yêu lùa qua đôi trẻ âm thầm nhưng mãnh liệt. Đầu năm 2012, giọt máu của Mẫn tựu một hình hài trong cơ thể L...

Hai gia đình tổ chức đám hỏi, L khăn gói về nhà chồng chung sống. Thời gian cứ dần trôi cho tới ngày một đứa trẻ kháu khỉnh ra đời. Nhưng cái bản tính hay nhậu lè nhè, trở chứng của ông bố vợ đã khiến Mẫn phải cay đắng. Rồi một ngày đầu năm 2013 khi “rượu vào người trở chứng”, ông bố vợ tố cáo thằng con rể ra cơ quan công an…

Mẫn đi rừng về, còn L đang nấu ăn. Thấy nhà đông người lại có công an, linh cảm chuyện chẳng lành, Mẫn trốn biệt trong rừng... Trốn riết, Mẫn nhớ vợ, thương con quặn lòng. Anh quyết định về xin công an xã đầu thú. Vì ở tù còn có ngày về, “trốn như con chuột thì cả đời xa cách mái ấm”. Mấy anh công an xã biết chuyện, vỗ về. Chuyện “lấy vợ trẻ con” hay giao cấu với trẻ em giờ đã không còn là thẩm quyền của họ nữa.

Ngày 13.5, Tòa án nhân dân huyện Tân Phú đã đưa vụ án “lấy vợ trẻ con” này ra xét xử. Vụ án thu hút người dân đến chật sân tòa, chỉ vì “cô dâu” có đến 3 loại giấy tờ với 3 năm sinh khác nhau.

Theo hồ sơ, L có đến 2 giấy khai sinh và 1 giấy rửa tội ở nhà thờ. Hai giấy khai sinh có các năm sinh là 1995 và 1999. Còn giấy bí tích rửa tội thì ghi L sinh năm 1997. Nếu L sinh năm 1995 thì thời điểm Mẫn và vợ quan hệ sẽ không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, HĐXX đã nhận định, Mẫn giao cấu với trẻ em.

Theo hồ sơ, L có đến 2 giấy khai sinh và 1 giấy rửa tội ở nhà thờ. Hai giấy khai sinh được xã Phú An và Phú Thanh cấp lần lượt có các năm sinh là 1995 và 1999. Còn giấy bí tích rửa tội thì ghi L sinh năm 1997. Nếu L sinh năm 1995 thì thời điểm Mẫn và vợ quan hệ sẽ không vi phạm pháp luật. Tại tòa, ông Minh và Mẫn khẳng định không có tội vì L thực tế là sinh năm 1995, có nhân chứng là người đỡ đẻ cho mẹ của L. Tuy nhiên, HĐXX đã nhận định, Mẫn giao cấu với trẻ em, đã tuyên phạt bị cáo 3 năm 6 tháng tù giam.

Không biết sắp tới đây, phiên tòa phúc thẩm có làm cho lão nông dân già kia cảm thấy vui hơn trong hành trình cứu vớt một gia đình hạnh phúc cho con trai mình hay không, dù điều đó thật mong manh…