Dân Việt

Không chỉ toàn màu hồng

26/12/2012 12:52 GMT+7
(Dân Việt) - Trong năm kinh tế đất nước “lâm vào tình trạng suy giảm”, nông nghiệp cuối cùng đã cán đích ở vị trí số 1. Hạt gạo xuất khẩu đã lên ngôi vị quán quân.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2007, những người nông dân chân lấm tay bùn đã làm ra 43,7 triệu tấn lúa. Chúng ta có ít nhất 5 năm, kể từ sau cuộc khủng hoảng 2007, để khẳng định rằng, nông nghiệp vẫn là rường cột của nền kinh tế, ở cả 3 khía cạnh: Tạo của cải vật chất, với đóng góp “đều như vắt chanh” khoảng 20% GDP, và là ngành duy nhất trong nền kinh tế tạo lượng xuất khẩu ròng dương. Nguồn ngoại tệ lớn, với kỷ lục khoảng 7,7 triệu tấn gạo xuất khẩu, cao nhất từ trước đến nay, thậm chí vượt qua Thái Lan để chiếm ngôi vị quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới.

Nhưng trong năm duy trì sự thành công của nông nghiệp, có lẽ, lại càng không thể không nhắc đến nguy cơ “tăng trưởng âm” đang nhãn tiền trước mắt. Bởi tỷ lệ nghịch với đóng góp của nông nghiệp cho nền kinh tế, lượng FDI vào nông nghiệp và nông thôn vừa quá thấp, vừa có xu hướng giảm dần (năm 2001 là 8% FDI cả nước, đến 2010 chỉ còn…1%). Nếu cần một con số sinh động hơn, thì đó là việc trong suốt cả thập kỷ đứng vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, tổng vốn đầu tư đăng ký trong nông nghiệp chỉ 2,3% vốn đầu tư của cả nước.

Tiền, đầu tư cho nông nghiệp, là một giải pháp. Nhưng không ai đổ tiền vào nông nghiệp khi những “hàng rào” bảo vệ nông dân, bảo vệ nông nghiệp đang bị thả lỏng hoàn toàn. Thật khó chấp nhận khi một nền nông nghiệp của cường quốc số 1 về xuất khẩu gạo đang là nền nông nghiệp, trong tương quan so sánh với cả thế giới, đang là khu vực kinh tế - trong đối sánh với cả nền kinh tế - đang hầu như không mang lại lợi nhuận.

Bởi đối với một đất nước nông nghiệp, vẫn để nhập kể cả nhập lòng lợn chết, cá thối, gà thải loại, vẫn phải nhập tới 70% nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thì rõ ràng, tiền không phải là tất cả. Bởi thế, căn cơ hơn phải là không để những giọt mồ hôi bị bán quá rẻ. Và thứ mà những người nông dân đang cần nhất lúc này, có khi lại là trách nhiệm của các nhà quản lý.

"Chúng ta hình dung xem nếu trong tình hình khó khăn này mà lương thực khan hiếm, mất mùa, đói kém thì đất nước và xã hội sẽ rơi vào tình trạng phức tạp như thế nào”- một đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.

Không ai trả lời vị này cả. Bởi câu hỏi cũng đã là câu trả lời.