Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc đưa ra các tiêu chí ràng buộc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu điều mà Vinacas đề xuất là chủ quan và không mang lại lợi ích gì cho ngành điều Việt Nam nói chung. Đó là chưa kể việc tạo thế “độc quyền” đầu ra sản phẩm sẽ tạo cơ hội cho DN quay lại ép giá nông dân trồng điều nguyên liệu.
Ảnh minh họa |
Cá lớn nuốt cá bé
Chưa cần tính đến các chi tiết ngặt nghèo của đề án, chỉ xem qua tiêu chí đầu tiên mà những người đứng đầu Vinacas đề xuất đưa vào nghị định là DN phải có nhà máy công suất chế biến tối thiểu 2.500 tấn điều/năm thì sẽ chỉ có khoảng gần 100 DN trong tổng số 296 đầu mối xuất khẩu của Vinacas đạt.
Còn lại gần 200 DN sẽ buộc phải sáp nhập với nhau hoặc phá sản. Lý giải việc đưa ra tiêu chí này, ông Nguyễn Đức Thanh - Phó Chủ tịch Vinacas, cho rằng ngành điều đang có quá nhiều đầu mối xuất khẩu gây ra tình trạng cạnh tranh phá giá, bán sản phẩm kém chất lượng gây mất uy tín của sản phẩm điều xuất khẩu nên những người có trách nhiệm của Vinacas muốn gom lại để giúp ngành điều phát triển bền vững hơn.
Tuy nhiên, những quy định này lại gặp phải phản ứng từ chính những người trong cuộc. Ông Nguyễn Văn Lãng - hội viên Vinacas, nguyên Phó Chủ tịch Vinacas, cho rằng: “Nếu đưa vào ngành kinh doanh có điều kiện, vô tình chúng ta làm triệt tiêu mất tính cạnh tranh. Lợi ích chỉ rơi vào một nhóm DN lớn”.
Lợi ích nhóm sẽ rõ ràng, theo giải thích của ông Lãng: “Nhiều DN trong nhóm G20 (20 DN có kim ngạch xuất khẩu điều hàng đầu) thời gian qua đã mặc sức gom hàng với giá cắt cổ từ 1.300 - 1.500USD/tấn điều thô với mong muốn giá điều sẽ có những kỷ lục mới. Song trong 2 năm 2011 - 2012 mặt hàng điều nhân xuất khẩu W320 (mặt hàng chủ lực) lại rơi từ đỉnh gần 10.000USD/tấn xuống còn khoảng gần 7.000 USD/tấn khiến nhiều DN rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ, nợ nần đầm đìa. Rốt cục, những tiêu chí mà Vinacas đặt ra chỉ nhằm mục tiêu… cứu DN lớn và bóp chẹt DN nhỏ bất kể có làm ăn hiệu quả hay không”.
Nông dân chịu thiệt
Lãnh đạo một công ty trong nhóm G20 không muốn nêu tên, thẳng thắn chia sẻ: “Vinacas liệu đã lường trước nguy cơ các DN chưa đủ công suất sẽ tiếp tục đổ vốn vào đầu tư hoặc sẽ liên kết với nhau để đáp ứng tiêu chí. Lúc đó, tổng công suất chế biến mặt hàng điều sẽ càng phình to hơn, gây lãng phí rất lớn.
Hơn nữa, hiện nay thẳng thắn mà nói có rất nhiều DN có nhà máy công suất khá lớn nhưng lại không có khả năng xuất khẩu vì làm ăn thua lỗ. Nếu trao giấy phép cho những DN như vậy thì liệu có đảm bảo rằng họ đủ tiền mua hết 300.000 - 400.000 tấn điều thô cho dân không hay khi đó họ sẽ quay lại ép giá người trồng điều (?).
Giá giảm, nông dân là người trực tiếp chịu thiệt và họ sẽ chặt cây, hậu quả càng nặng nề hơn cho ngành điều”. “Đây hoàn toàn là một yêu cầu và nhận định chủ quan, không mang lại lợi ích gì cho ngành điều Việt Nam chứ đừng nói gì đến mục tiêu kiểm soát giá điều thế giới”- vị này tỏ ra lo lắng.
Trong khi đó, là một chuyên gia về xuất khẩu, GS Đoàn Thị Hồng Vân (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng: “Những thị trường như Mỹ, EU có hàng rào kiểm tra chất lượng rất ngặt nghèo, do đó muốn xâm nhập các thị trường này thì hàng hoá phải được cấp mã số riêng chứ không phải muốn vào là vào được. Nên tôi nghĩ Vinacas khỏi cần phải đặt ra thêm điều kiện làm gì cho phức tạp. Riêng với việc gom còn một vài đầu mối xuất khẩu thì theo tôi như thế rất dễ quay về tình trạng cấp hạn ngạch, sinh ra cơ chế xin cho. Đó là chưa kể trường hợp những DN nhỏ, yếu thế ngoài việc dễ bị DN lớn thâu tóm hoặc để có việc làm thì phải cam chịu làm gia công, thậm chí tìm cách mua hạn ngạch”.
Quốc Hải