Bị mù cả hai mắt, nhưng nhiều năm liền ông Phạm Tiện (54 tuổi, trú thôn 7, xã Hương An, Quế Sơn, Quảng Nam) được công nhận SXKD giỏi.
Ông Tiện kể: “Tôi bị mù năm 17 tuổi. Bọn trẻ trong làng ngày ấy có 13 người đi chăn bò cùng nhau, vô ý giẫm phải bom. Hậu quả 6 người chết, 7 người bị thương, trong đó có tôi. Cái ngày định mệnh ấy đã cướp đi vĩnh viễn đôi mắt tôi. Sau một thời gian bế tắc, đau đớn, tôi quyết định gượng dậy, dù mù mắt nhưng không để mù luôn số phận. Mình vẫn còn đôi tay, đôi chân, vẫn có thể làm được mọi việc!”.
Ông Tiện bắt đầu với nghề đan tranh. Nghề này ông cũng đủ làm ra cái ăn. Những lúc mùa vụ, ông cấy ruộng nhà và cấy thuê ruộng hợp tác xã.
“Thời gian đầu, hàng xóm giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc đi lại, công việc. Riết rồi bản thân tôi cũng thạo đường và tự lập được cho dù không ít lần bị té xuống mương, tông vật cản trầy xước chân, tay” - ông Tiện kể.
Cật lực làm lụng, ngó lại đã gần nửa đời người, gia đình giục ông lấy vợ. “Mù như tôi ai thèm lấy, ở vậy nuôi mẹ khỏe hơn. Rồi cái gì đến cũng đến. Cô Trần Thị Thiên ở xóm bên khâm phục nghị lực, tính chịu thương, chịu khó của “Tiện mù”, tự nguyện kết duyên với tôi”- ông Tiện nhớ lại.
Bây giờ, ông bà có 3 người con, hai người đã có công ăn việc làm ổn định, người con trai út đang học phổ thông. Bà Thiên bảo, tất tật mọi công việc đồng áng, ông đều quán xuyến. 4 giờ sáng ông dậy ra đồng cắt cỏ về cho bò ăn. Gánh phân đổ ruộng, thu hoạch rơm lúa, gieo trồng nông sản… đều do ông đảm trách.
Quen từng ngóc ngách đường đi, không chỉ nhận dạng được từng vị trí thửa ruộng, đám khoai nhà mình mà ông còn nói vanh vách từng vị trí thửa ruộng nhà người khác. Dù bị mù nhưng không bao giờ ông dùng gậy để dò tìm đường đi. Gia đình có 5 sào lúa, 3 sào khoai môn, trồng thêm đậu phộng, khoai sắn, rồi nuôi bò, heo… mỗi năm cũng được vài chục triệu đồng”.
Ông Đinh Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Hương An, nhận xét: “Ông Tiện là một tấm gương điển hình vượt lên số phận”.