Dân Việt

Hồi ức làng giữa phố

Bùi Việt Phương 12/07/2014 09:00 GMT+7
Những người khách có dịp đi qua quốc lộ 6 ngày trước, đoạn qua thị xã Hòa Bình, thường thắc mắc về cái tên gọi phố Chăm. Cái tên phố gắn với câu thành ngữ cổ: "Trai phố Thái, gái phố Chăm". Bởi thế mà chúng tôi đã nhiều lần quyết đi tìm những dấu tích của cái làng Chăm cổ xưa kia, hi vọng còn được gặp lại một chút kí ức xưa cũ còn sót lại.

Thật may, bên đại lộ An Dương Vương khang trang với những dãy nhà cao tầng tráng lệ của một thành phố hiện đại vẫn còn đó ngôi nhà sàn nhỏ của người nghệ nhân của làng Chăm xưa. Ông là Nguyễn Văn Thực, năm nay đã sắp bước sang tuổi bát tuần nhưng vẫn còn khá nhanh nhẹn, nụ cười đôn hậu và đặc biệt là khi có ai gợi chuyện văn hóa, phong tục là không thể dứt lời được.

Bằng cái giọng nhỏ nhẹ và ôn tồn của ông và những gì hiện ra trước mắt trong căn nhà nhỏ chừng mươi mét vuông đã đủ khiến những ai say mê văn hóa Mường cổ truyền đều bị cuốn hút.

img

Từng theo các cô, chú học đánh cồng chiêng từ năm 12 tuổi, ông là một trong các thành viên của đội cồng chiêng Hòa Bình tham gia biểu diễn tại Đại hội chiến sĩ toàn quân tại thị trấn Xuân Mai (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) vào năm 1956. Sau ngày đất nước thống nhất, trong lần tổ chức đám cưới cho con gái vào năm 1994, ông đã cùng những người đam mê cồng chiêng cùng gây dựng lại đội cồng chiêng cho địa phương.

Liên tiếp vào các năm 1998, 2000, ông đều được giải Nhất trong các cuộc thi. Năm 2011, ông là người giữ phách cho dàn chiêng không lồ 1400 chiếc trong Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Hòa Bình lần thứ I diễn ra tại TP Hòa Bình. Đây là coi là màn đồng diễn chiêng lớn nhất từ trước đến nay. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào năm 2011.

img

Trong căn nhà sàn nhỏ của ông, người ta có thể bắt gặp những rất nhiều chiêng quý nhưng trong đó có 7 chiếc chiêng được ông quý nhất. Chiêng nằm trong góc khuất, chiêng treo trên vách gỗ, sự phong phú đó đã đủ gợi nên âm vang trong tâm trí du khách. Mỗi lần tâm sự với khách ông lại mân mê những mặt chiêng thân quen và kể về những lần lặn lội tìm mua chiêng cổ, về chuyện xoa chiêng trước khi đánh.

img

Nhưng với ông, kí ức đâu chỉ có vậy, bốn góc nhà ông là hiện thân của những vách nhà cư dân Việt - Mường cổ với cung, nỏ, tên, ná. Vách bên này là những chiếc chuông gió mô phỏng dụng cụ đuổi chim ăn lúa xưa, bên kia là những chiếc mõ gợi một thời làng nổi tiếng với những đàn trâu đông đúc. Góc khác lại là cái đài cassette Nhật cũ, hộp đàn accordion của một thời…

img

Giữa cái nắng hè oi ả, người nghệ nhân vẫn miệt mài hoàn thành những tác phẩm dân gian mô phỏng một phần văn minh vật chất của người Mường.

Có lẽ khi chứng kiến sự lao động miệt mài đó, chúng ta sẽ thêm yêu nền văn hóa Mường, yêu mảnh đất Hòa Bình và nét văn hóa tinh tế và đặc sắc chỉ có ở những cứ dân đã làm nên cái nôi của nền văn minh lúa nước nhân loại.