Ngô Chi Lan là một nữ sĩ quê ở làng Phù Lỗ (tên Nôm gọi là làng Sọ) thuộc xã An Lạc, huyện Kim Hoa (sau đổi là Kim Anh), trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Bà có tên tự là Quỳnh Hương, ngoài ra còn có tên khác là Nguyễn Hạ Huệ, sở dĩ có tên này là vì bà là cháu gái gọi bà hoàng Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ vua Lê Thánh Tông) là cô. Khi người cô vào cung làm phi tần của vua Lê Thái Tông, lúc ấy Ngô Chi Lan tuổi hãy còn nhỏ nhưng cũng được đi theo hầu.
Tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), Lê Thái Tông mất, trong cung xảy ra nhiều chuyện lục đục, tranh giành; vợ chồng quan đại thần Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bí mật đưa bà Ngọc Dao đi trốn, còn Ngô Chi Lan được họ đem về nhà, nhận làm con nuôi, cải thành họ Nguyễn và đổi tên là Nguyễn Hạ Huệ, chăm sóc và dạy bảo chu đáo.
Sau vụ án “Lệ Chi Viên”, gia đình cha mẹ nuôi bị án tru di tam tộc, tất cả đều bị tử hình, lúc đó Nguyễn Hạ Huệ phải cải dạng, đổi tên lại thật là Chi Lan và trốn tránh ở khắp mọi nơi. Đến khi quần thần phế bỏ Lê Nghi Dân, đi đón lập Lê Tư Thành, con bà Ngọc Dao về triều làm vua (tức Lê Thánh Tông), lúc này Ngô Chi Lan đã lấy chồng và nổi tiếng là người rất xinh đẹp, lại giỏi thi ca, từ khúc, lại làu thông về kinh sử.
Người đời khi đó ca ngợi bà là một kỳ nữ, nhưng dân gian không ít kẻ ghen tức mà chế diễu, dèm pha rằng:
Ông tơ lắm nỗi đa đoan/ Xe tơ lại khéo vơ quàng, vơ xiên.
Họ than rằng đẹp người, đẹp nết như Ngô Chi Lan mà qua mai mối lại lấy phải anh chồng quê mùa, dốt nát tên là Phù Thúc Hoành, người làng Phù Xá cùng huyện. Mặc cho miệng lưỡi thiên hạ, Ngô Chi Lan không bận tâm mà vẫn một lòng yêu thương chồng, làm hết phận sự của một người vợ. Ngày ngày bà đóng cửa dạy chồng học, khuyên chồng cố gắng phấn đấu để cho mọi người thấy, nếu kiên trì nhẫn nại thì việc gì cũng có thể làm được.
Nhờ tình yêu, sự giúp đỡ, động viên của vợ mà Phù Thúc Hoành đêm ngày đèn sách, khổ công ôn luyện kinh thư suốt 10 năm trời thì trở thành người có tài văn chương, được cử làm giáo thụ chuyên giảng Kinh Dịch ở trường Quốc Tử Giám, sau chuyển sang Viện Hàn lâm, thụ chức Đông các Đại học sĩ.
Trong một dịp vào cung bái kiến cô mình là Thái hậu Ngọc Dao, biết cháu mình trải qua nhiều biến động, khó khăn nhưng nay đã là người phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi nên Thái hậu lại càng yêu chiều, quý mến; còn vua Lê Thánh Tông cũng rất đỗi mến mộ về tài sắc của bà.
Vì mến mộ mà Lê Thánh Tông đã ban hiệu cho Ngô Chi Lan là Kim Hoa nữ học sĩ và vời bà vào cung đảm đương việc dạy lễ nghi, đạo đức, văn chương cho các cung nhân. Nhà vua còn cho bà dự nhiều cuộc xướng họa thơ văn, những lần du ngoạn, hoặc dự yến tiệc ở bất cứ nơi đâu, vua đều sai Ngô Chi Lan mang nghiên bút theo chầu hầu.
Tương truyền, một lần Lê Thánh Tông đi dạo, dừng chân thưởng ngoạn tại Thanh Dương Môn, chợt thấy làn mây biếc là đà trên mái điện bèn sai một viên quan làm bài từ vịnh cảnh. Khi từ khúc “Uyên ương” dâng lên, nhà vua không vừa ý và truyền ngay nữ học sĩ họ Ngô làm bài khác. Vì có biệt tài sáng tác rất nhanh, nên khi xuất khẩu, lúc phóng bút, ít khi bà phải sửa chữa, dù chỉ là một chữ, nay theo lệnh vua Ngô Chi Lan thảo luôn một bài, trong đó có hai câu kết được gọi là tuyệt bút:
Điện ngọc ngói mời mây biếc phủ/ Cẩm Giang sóng lụa sắc hồng dâng.
Nghe xong, nhà vua lấy làm hài lòng, khen tài văn hay chữ tốt của bà và lấy họ của chồng bà mà ban hiệu là Phù gia nữ học sĩ, rồi thưởng thêm 5 đĩnh bạc. Tên tuổi của Ngô Chi Lan từ ấy ngày càng tỏa sáng, tiếng tăm ngày càng vang dội, khiến tao nhân mặc khách thời đó vô cùng kính nể nhưng đồng thời những kẻ đố kị đã đặt thơ nhằm bôi bác, châm chọc, hạ thấp danh giá, phẩm hạnh của bà. Người ta cho rằng vì hay được vào cung nên giữa vua Lê Thánh Tông và Ngô Chi Lan có mối quan hệ tình ái "màn loan giường ngự" nên có giễu cợt mỉa mai rằng:
Quân vương ví muốn khuây buồn nản/ Hãy gọi Kim Hoa học sĩ vào.
Hoặc câu:
Tan tiệc lầu rồng thơ mệt tứ/ Sáu canh chầu chực giấc nồng trưa.
Lại có câu tương tự:
Lầu rồng, thơ cạn, tiệc tàn/ Năm canh bảnh mắt còn khan giấc nồng.
Những câu thơ vô danh khinh xuất đó đã làm cho nữ sĩ Ngô Chi Lan cảm thấy buồn rầu, có lúc bà để thổ lộ tâm tư của mình với mọi người trong cung nội như sau:
- Bấy nay tôi chầu hầu hoàng đế, thi phụng tôn vương. Nghĩa cả là vua tôi, song vẫn còn tình thâm đồng tộc, lại vốn Ngô gia phép tắc; Phù gia trọng đạo. Thế mà lẽ nào trong giới thi văn lại có hạng đơn bạc, đặt giọng quàng xiên, tệ hại cho đành?.
Tiến sĩ Thái Thuận, phó Nguyên súy Tao đàn Nhị thập bát tú cũng thông cảm với nỗi phiền muộn và uất ức của bà, trong một cuộc đàm đạo, ông khuyên giải bà với đại ý rằng:
- Nào phải một mình phu nhân mới bị khốn vì ngòi bút trào lộng của những kẻ xú ác…, mà các bậc trinh liệt xưa nay đã thường bị những lời thơ khinh bạc trây bẩn, song nước Ngân Hà dễ gì khuấy cho nhơ, nên nữ học sĩ cũng chẳng cần bận tâm làm gì!.
Chuyện đồn thổi thị phi về vợ cũng đến tai Phù Thúc Hoành, thấy Ngô Chi Lan bận việc lâu không về, ông tuy không tin những gì mà người ta nói nhưng cũng có chút ghen tuông và cũng lại dấy lên nỗi nhớ vợ da diết. Từ nhà, ông gửi thơ cho vợ với tiêu đề “Ý xưa”:
Hà diệp lục như cái/ Hà hoa hồng tử nhan.
Trướng quân vị đắc kiến/ Trì thương không bàn hoàn.
Nghĩa là:
Lá sen xanh như chiếc tán/ Hoa sen hồng tựa má đào.
Nhớ người mà chưa được gặp/ Ngẩn ngơ thơ thẩn bên ao.
Nhận được thơ của chồng, Ngô Chi Lan làm liền bốn bài tứ: “Xuân”; “Hạ”; “Thu”; “Đông” để hồi đáp. Trong đó bài Hạ (mùa hạ) được cho là hay nhất:
Gió rụng hoa lựu tơi bời/ Trên du tha thướt dáng người giai nhân.
Oanh vàng ủ rũ thương xuân/ Én đôi tiếc cảnh tần ngần trên cây.
Đừng làm rủ thấp đôi mày/ Nương song hồn mộng xa bay cuối trời.
Cuối rèm ai cứ gọi hoài/ Để hồn em chẳng được bay tới chàng.
Có thể nói, Ngô Chi Lan là một nữ tài thơ nữ đầu tiên có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của lịch sử thơ ca Việt Nam. Thơ của bà mang bản sắc riêng, không khuôn sáo, gò ép, có cái nhìn nhân ái trước cuộc đời và con người. Nhưng nhắc đến Ngô Chi Lan, người ta không chỉ nói đến một nữ thi sĩ mà còn nhớ đến câu chuyện “đóng cửa dạy chồng” với hình ảnh một người phụ nữ bằng tình yêu đã truyền cho chồng ý chí vươn lên thành người hiền tài, thành một học giả có tiếng.