Ngày 8.7, Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức Mỹ cấp cao giấu tên, tháp tùng Ngoại trưởng John Kerry đến Bắc Kinh, cho rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn toàn bộ Biển Đông rất “mơ hồ” và hành động của cường quốc châu Á này đã làm gia tăng căng thẳng.
Quan chức này cũng cho rằng những căng thẳng gia tăng đều liên quan chặt chẽ đến Mỹ với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương, một quốc gia buôn bán lớn, một bên sử dụng quan trọng các tuyến đường biển, đồng thời là nhà đảm bảo sự ổn định lâu dài tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo quan chức này, Trung Quốc đã nhấn mạnh cam kết thực hiện các biện pháp ngoại giao và hòa bình để thực hiện những yêu sách và Washington hy vọng Bắc Kinh sẽ giữ lời hứa.
Mỹ cũng nhiều lần bày tỏ sự lo ngại về việc Trung Quốc liên tục thực hiện các hành vi gây hấn trên Biển Đông và Biển Hoa Đông để đòi chủ quyền vô lý. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã cáo buộc Trung Quốc “gây bất ổn” trên Biển Đông ở đối thoại Shangri-La. Trong khi đó, Bắc Kinh cho rằng, Mỹ không nên can dự vào những vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và cáo buộc những tuyên bố của Mỹ đã khiến “tình hình trên Biển Đông trở nên căng thẳng”. Giới phân tích cho rằng, trên thực tế, hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ, bãi cát, rạn san hô… nằm rải rác trên khắp Biển Đông, dù không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng sự quan trọng của nó đủ để châm ngòi cho những căng thẳng đáng lo ngại nhất trong quan hệ Mỹ - Trung trong nhiều thập kỷ.
Simon Denyer- nhà phân tích chính trị đã có bài viết đăng trên tờ Washington Post nhận định rằng, với những động thái như tàu Trung Quốc uy hiếp tàu Việt Nam, hay máy bay chiến đấu của Trung Quốc và Nhật Bản chơi trò “chọi gà” trên vùng trời châu Á… đều tạo ra nguy cơ leo thang quân sự. Tất cả những tình huống này, Mỹ đều không thể khoanh tay đứng nhìn. Robert Ross- giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Boston (Mỹ) nhận định: “Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc ở thời điểm hiện tại xấu đi thảm hại, và Đông Á ngày nay kém ổn định hơn bất cứ lúc nào kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh”. Tướng quân đội Trung Quốc- Đô đốc Sun Jiangguo đã cáo buộc: “Rõ ràng là các tranh chấp là giữa hai bên, nhưng Mỹ đang tham gia vào, và điều này không hề vô tư”. Trong khi đó, giới chức Washington tin rằng, Trung Quốc có ý định đẩy yêu sách lãnh thổ của mình thông qua sự đe dọa quân sự và cuối cùng là nhằm đẩy Mỹ ra khỏi châu Á. Chuyên gia Christopher Johnson của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế bình luận: “Bắc Kinh sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp cam kết của Mỹ để bảo vệ châu Á. Mỹ mới thật là một người khổng lồ đang ngủ”.