Để mục sở thị, chúng tôi đã đến gặp ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Kiên Cường, được cho là người đầu tiên ở Tây Nguyên bỏ tiền đầu tư nuôi chồn cho ăn cà phê để lấy phân tại 5 Hoàng Hoa Thám, TP Buôn Ma Thuột.
Ông Cường cho biết hiện ông nuôi trên 200 con chồn. Trung bình mỗi năm ông thu được khoảng một tấn cà phê do chồn thải ra.
Mỗi ký cà phê chồn thô còn ở dạng lọn kết dính, hạt còn nguyên vỏ trấu có giá khoảng 2 triệu đồng. Nếu hạt cà phê chồn sau khi tách vỏ có giá 3,3-3,7 triệu đồng/kg, chế biến đóng gói dạng bột sẽ có giá lên tới 10 triệu đồng/kg.
Tây Nguyên được cho là nơi khởi đầu phong trào “nuôi chồn để ị”, tập trung nhiều nhất ở hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk. Hiện nay phong trào này đã phát triển tràn lan, nếu chỉ tính riêng ở TP Buôn Ma Thuột cũng đã có vài chục hộ nuôi chồn lấy cà phê.
Hàng chục công ty sản xuất sản phẩm cà phê chồn cũng ra đời với đủ mức giá thượng vàng hạ cám. Mới đây, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và rải rác một số tỉnh miền Bắc cũng đã xuất hiện những công ty sản xuất cà phê chồn bằng cách lập các trang trại nuôi chồn.
Theo anh Phú, việc nuôi chồn để lấy cà phê là chuyện phi khoa học. “Con chồn hoang dã chỉ đóng vai trò chọn lọc mà thôi. Nó chọn những quả cà phê ngon mọng nhất để ăn. Cho nên những hạt cà phê nó thải ra ngon là phải. Do vậy việc nuôi chồn để lấy cà phê hết sức vớ vẩn” - anh Phú nhận định.
Những ý kiến còn lại thì cho rằng con chồn thiên nhiên bằng khả năng thiên bẩm nó đã tạo ra loại cà phê có hương vị đặc biệt sau quá trình tiêu hóa nhưng số lượng rất hạn chế.
Trong một bài viết trên trang VietSciences được trích đăng lại trên trang giacaphe.com, ông Võ Quang Yến, một trí thức người Việt ở hải ngoại, cho rằng trên thế giới hiện nay mỗi năm chỉ có 200-300 kg cà phê chồn chính cống (được xác định bằng thiết bị “lỗ mũi điện tử”).
“Biết bao người đã dùng enzym nhân tạo tác dụng lên nhân cà phê để đánh lầm người mua. Lương thiện hơn là trên Tây Nguyên, có vườn trồng cà phê nuôi luôn cả chồn để khỏi chạy quanh thu nhặt…” - ông Võ Quang Yến nhận định.