1. Tập đoàn Taco Bell
Năm 1996, trong một mẩu tin quảng cáo đăng trên tờ The New York Times, Tập đoàn bán đồ ăn nhanh Taco Bell thông báo, họ đã mua quả chuông nổi tiếng Liberty Bell ở Philadephia, vốn là biểu tượng lịch sử cho nền độc lập của nước Mỹ, và đổi tên thành Taco Liberty Bell (Chuông Tự do Taco).
“Taco Bell vui mừng thông báo rằng, chúng tôi đã mua lại Liberty Bell. Từ nay, Liberty Bell sẽ được gọi là Taco Liberty Bell”, mẩu tin quảng cáo viết.
Mẩu tin quảng cáo lập tức khiến dư luận xôn xao với hàng nghìn người đã gọi tới Công viên Lịch sử Quốc gia ở Philadelphia, nơi quản lý quả chuông Liberty Bell để xác minh thông tin trước khi tập đoàn Taco Bell thừa nhận, đây chỉ là một trò đùa trong ngày Cá tháng Tư. Tuy nhiên, nhờ sự “nhiệt tình” đưa tin của báo chí, “trò đùa” trên giúp Taco Bell tăng doanh thu đáng kể.
2. Công ty ProShade:
Năm 2006, ProShade - công ty chuyên chế tạo các sản phẩm cải tiến 3 trong 1, bao gồm các loại mũ lưỡi trai đa năng, kính mắt... đã đưa ra một đề nghị với Cục Công viên Quốc gia Mỹ rằng, họ sẽ tài trợ 4 triệu USD cho công trình kiến trúc núi Rushmore (hay còn gọi là Đồi Tổng thống) ở bang South Dakota.
Đổi lại, họ phải được quyền đặt những tấm che nắng có in logo của công ty lên đầu các bức tượng tổng thống Mỹ ở núi Rushmore.
Kết quả là, dù Cục Công viên Quốc gia Mỹ không chấp nhận lời đề nghị và dù các phóng viên đều biết, đây thực chất là một chiêu trò quảng cáo, nhưng công ty vẫn nhận được rất nhiều sự chú ý từ giới truyền thông.
Một phóng viên đã chia sẻ rằng: “Dĩ nhiên đây là một chiêu trò nhằm tạo sự chú ý và dĩ nhiên, chẳng ai chấp nhận lời đề nghị kỳ quặc đó (đặc biệt là với một mức giá thấp như vậy), song tôi vẫn viết về nó, đơn giản bởi nó thực sự lôi cuốn mọi người”. Như vậy, nhờ chiêu trò độc, cung cấp cho truyền thông một câu chuyện thú vị, giật gân để bàn tới, ProShade đã quảng bá thành công hình ảnh công ty tới công chúng.
3. Công ty GoldenPalace.com
Năm 2004, sòng bạc trực tuyến GoldenPalace.com có trụ sở tại vùng biển Caribbean đã tung ra nhiều chiến dịch quảng cáo nhằm thu hút sự chú ý của công chúng. Trong đó, kế hoạch quảng cáo thành công nhất của sòng bạc này là mua lại một chiếc bánh mì kẹp pho-mát nướng ăn liền với giá 28.000 USD.
Tuy nhiên, đó không đơn thuần là một chiếc bánh mì mà nó trông như chân dung của Đức Mẹ Đồng trinh. Lập tức, vụ mua bán kỳ quặc của sòng bạc GoldenPalace.com nổi “đình đám” trên các phương tiện truyền thông. Một loạt các tờ báo lớn như USA Today, BBC, CNN, FOX, MSNBC tới China Daily đều đồng loạt đưa tin về sự kiện trên giúp GoldenPalace.com “mua được tiếng tăm” với giá hời .
4. Công ty Burger King
Học theo chiêu trò quảng cáo độc của Taco Bell trước đó, Burger King cho đăng một quảng cáo trên tờ USA Today rằng, họ sẽ thiết kế lại loại bánh mì kẹp thịt nổi tiếng nhất của họ để làm hài lòng trên 32 triệu người Mỹ. Nghĩa là Burger King đã sẵn sàng giới thiệu chiếc bánh dành cho người thuận tay trái.
Thông tin thú vị này lập tức thu hút sự chú ý rộng rãi từ các phương tiện truyền thông và sau đó, dấy lên sự phản hồi mạnh mẽ từ khách hàng với nhiều người đổ xô đi mua bánh mì kẹp thịt dành riêng cho người thuận tay trái và hàng loạt người khác đến Burger King đòi mua bánh mì kẹp thịt cho người thuận tay phải.
5. Công ty Maui Beverages
Năm 2005, thời điểm thương hiệu đồ uống Maui Beverages chưa được biết đến rộng rãi trên thị trường, công ty này đã nghĩ ra chiến lược tiếp thị rất độc đáo, thu hút sự chú ý của dư luận.
Họ thay đổi các chức danh trong công ty, chẳng hạn Giám đốc điều hành thành Giám đốc giải trí, Giám đốc công nghệ thành Giám đốc mùi vị… Mục đích của sự thay đổi trên là nhằm tạo dựng hình ảnh công ty thân thiện và gần gũi hơn với công chúng.
Sau đó, hai thành viên sáng lập công ty Mark Mahoney và Al Williams tổ chức một bữa tiệc linh đình dành riêng cho những cây bút chuyên nghiên cứu, viết bài bình luận về các loại đồ uống. Trong bữa tiệc, Maui Beverages cũng chuẩn bị vô số quà tặng cho khách tham dự. Kết quả là, công ty gây ấn tượng tốt với giới báo chí. Doanh số của Maui Beverages đã tăng từ 6 triệu USD vào năm 2004 tới 10 triệu USD vào cuối năm 2005.
6. Công ty Half.com
Năm 1999, Half.com, một trang bán lẻ trực tuyến nổi tiếng đã nghĩ ra chiêu quảng cáo độc đáo là trả cho thành phố Halfway ở bang Oregon số tiền 100.000 USD, tặng 20 máy tính mới cho các trường học địa phương cũng như cung cấp nhiều khoản trợ cấp tài chính khác để thành phố này đổi tên thành Half.com trong vòng 1 năm.