Theo quyết định số 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, CNHT được hiểu là “các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh”.
Các ngành CNHT ưu tiên phát triển là: dệt may, da giày, điện tử – tin học, lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo và công nghiệp công nghệ cao.
Ông Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đánh giá, các doanh nghiệp công nghệ cao thường nhắm các điểm đến có hệ thống các ngành CNHT phát triển để giảm thiểu chi phí và đảm bảo nguồn cung ứng các yếu tố đầu vào không bao giờ bị gián đoạn.
“Nhưng do Việt Nam mới phát triển công nghệ cao trong khoảng năm năm gần đây, hệ thống các ngành CNHT hầu như không có hoặc còn rất manh mún đã làm chi phí đầu tư tại Việt Nam cao hơn. Hiện tại các doanh nghiệp công nghệ cao nước ngoài phải nhập 90% thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài.
Năng lực của CNHT cho các ngành công nghệ cao ở Việt Nam chỉ mới ở dạng tiềm năng”, ông Quốc chia sẻ. Cũng theo ý kiến của vị trưởng ban SHTP, khi CNHT trong nước yếu kém đồng nghĩa với việc phần lớn giá trị gia tăng tạo nên thuộc về các nhà sản xuất và các nhà cung ứng nước ngoài.
Nhiều chuyên gia cho rằng, CNHT không chỉ là “công nghiệp phụ trợ”! Nhưng trên thực tế, CNHT Việt Nam trong mối quan hệ với các nhà sản xuất nước ngoài hiện nay chỉ đóng vai trò “phụ trợ” với những sản phẩm lặt vặt, công nghệ thấp như đóng gói, bao bì hoặc những linh kiện như ốc vít, vè nhựa…
Trong một khảo sát do trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCEIF, bộ Kế hoạch và đầu tư) thực hiện năm 2013, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, dù là khu vực có nền sản xuất phát triển nhưng CNHT phát triển rất chậm so với nhu cầu.
Tỷ lệ số lượng các doanh nghiệp CNHT tại đây tham gia vào chuỗi sản xuất máy móc rất thấp, chỉ số bình quân là 2,07, trong đó thấp nhất là ngành cơ khí: 1,7 và cao nhất là ngành ôtô: 5,0. Nhiều nhà sản xuất than phiền, các doanh nghiệp Việt Nam chậm đổi mới công nghệ, không đáp ứng được yêu cầu cung ứng linh kiện của các nhà lắp ráp, sản xuất thành phẩm.
Còn theo khảo sát của SHTP, các doanh nghiệp CNHT Việt Nam còn rất hạn chế về năng lực công nghệ để tham gia chuỗi giá trị cùng các nhà sản xuất nước ngoài.
Ông Quốc than phiền: những nhà cung ứng bao bì chống tĩnh điện nội địa mới chỉ đạt tiêu chuẩn của Việt Nam, chưa đạt tiêu chuẩn của các nhà sản xuất nước ngoài; ngành xi mạ của TP.HCM còn yếu, chưa đạt yêu cầu về chất lượng; chưa có doanh nghiệp cơ khí chuyên sản xuất các chi tiết có chống tĩnh điện, sản phẩm nhựa nhiều màu, sản phẩm nhựa công nghiệp theo tiêu chuẩn UL…
Hiện nay, Intel chỉ mua tại thị trường nội địa đối với các nguyên vật liệu gián tiếp (bao bì, bàn cho kỹ sư, xe đẩy, đồ gá…) với tỷ lệ 10%, còn lại vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Jabil hiện có hơn 200 nhà cung ứng trong nước nhưng chỉ chiếm 10% giá trị sản phẩm.
Ông Trần Tiến Phát, giám đốc điều hành công ty TNHH Datalogic Scanning Việt Nam cho biết, tỷ lệ phụ kiện mua từ các doanh nghiệp trong nước có tăng, từ 3,2% (2012) lên 3,69% (quý 1.2014) trên tổng giá trị nhập khẩu phụ kiện của doanh nghiệp, chủ yếu là những mặt hàng có giá trị thấp: bao bì, linh kiện nhựa…
Ông Phát đánh giá chất lượng của sản phẩm CNHT do các doanh nghiệp trong nước sản xuất không ổn định, công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống quản lý chất lượng chưa hiệu quả, giá cả cao…
Ông Vũ Văn Hoà, trưởng ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết, có 371 doanh nghiệp trong nước tham gia CNHT cho các ngành: cơ khí, dệt may, bao bì…
Sản phẩm CNHT của doanh nghiệp trong nước có giá trị gia tăng thấp và hầu hết chưa tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu, nên khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng kém, giá thành sản phẩm cao, ông Hoà nhận xét.