Ông Lâm nói: “Theo kế hoạch ban đầu, dự án có số tàu chuyên dụng đánh bắt, khai thác là 95 chiếc, 5 chiếc để phục vụ hậu cần và công tác cứu hộ, cứu nạn, 2 chiếc trực thăng phục vụ các trường hợp khẩn cấp. Nhưng do cơ chế xin hoạt động hai chiếc trực thăng hơi bị lâu, nên tôi chủ trương tập trung ưu tiên hoàn thiện đội tàu đánh bắt và ụ nổi".
"Cũng có người cho rằng tôi đầu tư trực thăng là để... khè! Thực sự không phải, ngư dân đánh bắt xa bờ tâm trạng hiện nay rất lo lắng, tôi chỉ muốn trấn an bằng những phương tiện khẩn cấp. Nếu người ta ủi mình thì cứ ôm phao tối đa nửa giờ sẽ có trực thăng tới cứu, thậm chí tai nạn lao động cũng cấp cứu được”, ông Lâm nói tiếp.
Trước làn sóng dư luận xôn xao về hiệu quả thực sự của một dự án đánh bắt xa bờ lần đầu tiên do một doanh nghiệp khởi xướng, ông Lâm thổ lộ: “Đây không phải là một dự án bốc đồng, cũng không thể ngày một ngày hai mà hoàn thiện được, đó là mong ước của riêng tôi từ lâu, vì tôi vốn là dân chài lưới. Ngày trước gia đình tôi cũng có một chiếc ghe đánh bắt hải sản".
Nói về nguồn tiền đầu tư, ông Lâm cho biết: "Tới thời điểm này, khi ba dự án bất động sản đã hoàn tất, trong túi đã có tiền, và làn sóng đầu tư khai thác kinh tế biển đang được Chính phủ khuyến khích rất cụ thể, tôi quyết định ra quân. Trăm chiếc tàu cũng tương đương với giá trị trăm căn hộ thôi mà. Hiện trong tay tôi có 4.000 căn hộ, coi như đem 100 căn hộ xuống biển thôi... ”
Ông nói tiếp: “Cũng phải trải qua thử thách rủi ro, nhưng là những rủi ro mình đã định liệu. Nếu dự án thành công sẽ là tiền đề cho việc kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là trong tình hình ngư dân vẫn có thói quen hành nghề theo hình thức nhỏ lẻ, tự phát. Phải khẳng định ngay rằng đây là một dự án kinh doanh, tính hiệu quả phải đặt lên hàng đầu. Cùng với nó là ý nghĩa của việc tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 ngư dân, tạo cơ hội cho ngư dân làm giàu chính đáng, trở thành những chủ tàu thực sự để bám biển và chủ động hợp tác làm ăn như mô hình hợp tác xã thời kỳ đổi mới. Đó chính là ý thức dân tộc trong lúc đất nước đang có những mối hiểm hoạ từ Trung Quốc”.
Ông Phạm Ngọc Lâm tâm sự: “Trách nhiệm đứng đầu một tổ chức, tôi phải có hiểu biết tổng quan, bài bản, cụ thể, nghiên cứu rất kỹ mới dám làm. Dư luận có quyền hoài nghi. Tôi nghĩ ai là người Việt Nam mà không yêu nước, phải làm cái gì hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho ngư dân cũng là yêu nước một cách thiết thực. Không phải vì phẫn nộ Trung Quốc mà đưa ra dự án này, nhưng cũng chính nhờ phẫn nộ mà thúc đẩy mình làm nhanh hơn, sớm hơn. Tôi không phải là cảm tử quân, tôi là một doanh nhân”.