“Bên trong ASEAN”
Ngày 2.7 vừa qua, Dịch vụ cho nhà đầu tư của Moody’s đã công bố ấn bản hàng quý “Bên trong ASEAN” xem xét các xu hướng tín dụng chính yếu đang lưu hành ở khu vực Đông Nam Á.
Trong bản báo cáo này, Moody’s chủ yếu đánh giá những tác động tiềm ẩn của sự tăng trưởng chậm của kinh tế Trung Quốc (Trung Quốc) tới nền kinh tế của mười nước thành viên ASEAN.
Giám đốc điều hành mảng tài chính doanh nghiệp khu vực ASEAN và Ấn Độ của Moody’s, ông Philipp Lotter cho biết, nếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2014 và 2015 rơi xuống mức thấp hơn so với dự báo là 6,5% và 7,5% (mức tăng trưởng thập kỷ qua là 10,5%/năm) của Moody’s thì nó “sẽ có một hiệu ứng rõ rệt lên triển vọng kinh tế vĩ mô của ASEAN”.
Hiệu ứng này được cho là “dễ bị tổn thương”, vì giờ đây Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Trong năm 2013, ASEAN xuất khẩu 12,2% tổng sản lượng xuất khẩu ngoại biên tới Trung Quốc, tăng gần gấp đôi so với con số 7,3% của một thập kỷ trước đó.
Singapore sẽ là đối tác trong ASEAN chịu thiệt hại nặng nhất nếu nền kinh tế Trung Quốc tuột dốc khi 16,4% GDP của Singapore trong năm 2013 tới từ Trung Quốc – tỷ lệ gấp đôi so với mức trung bình của khu vực là 7,9%.
Hơn nữa, Singapore cũng có quan hệ tài chính ấn tượng với Trung Quốc khi các đối tác Trung Quốc chiếm từ 7 – 19% tổng nợ của ba ngân hàng lớn nhất của Singapore.
Indonesia, theo báo cáo này, sẽ có thể là đối tác ASEAN thứ hai chịu ảnh hưởng nặng. Trung Quốc chiếm 2/3 tổng xuất khẩu của Indonesia, trong đó rất nhiều nguyên vật liệu thô. Vì phần lớn dòng vốn đầu tư nước ngoài ở Indonesia được sử dụng cho các dự án liên quan tới hàng hoá mậu dịch, nên chắc chắn điều này cũng ảnh hưởng mạnh tới thu hút đầu tư nước ngoài.
Nga và Trung Quốc muốn lập tổ chức đánh giá tín nhiệm chung Ngày 3.6 vừa qua, Nga và Trung Quốc đã nhất trí thành lập một tổ chức đánh giá tín nhiệm chung về các dự án giữa hai bên nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các tổ chức đánh giá tín nhiệm của Mỹ như Moody’s hay S&P; hay châu Âu như Fitch. Trước đó, S&P đã hạ xếp hạng tín nhiệm tín dụng của Nga xuống mức chỉ cao hơn hạng không khuyến khích đầu tư một bậc, do các nhà đầu tư đang ồ ạt rút vốn tại thị trường này. Trong quý 1/2014, vốn rút khỏi Nga đã đạt mức kỷ lục 51 tỉ USD. Còn Trung Quốc, hồi tháng 5.2014,đã tìm mọi cách “lót tay” để một báo cáo và dự đoán về sự sụt giảm tăng trưởng của Trung Quốc không lọt ra ngoài, nhưng cuối cùng đã bị Financial Times cho “lên thớt”. |
Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai ASEAN, cũng sẽ chịu ảnh hưởng mạnh do mối dây thương mại hai bên khi Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 6,9 tổng GDP năm 2013 của nước này. Sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc vì thế sẽ vừa kéo dài thời gian hồi phục nền kinh tế của Thái Lan, vừa đẩy mạnh hơn những xung đột nội tại của nước này. Tuy nhiên, Moody’s vẫn cho rằng triển vọng kinh tế và các ngân hàng Thái Lan sẽ tương đối ổn định.
Trong khi đó, Malaysia và Việt Nam – hai nước phụ thuộc nặng nề vào thương mại với Trung Quốc (chỉ sau Singapore) sẽ phải chịu tác động kép khi nhu cầu từ phía Trung Quốc giảm xuống, đồng thời với giá hàng hoá mậu dịch toàn cầu cũng giảm sút.
Nhìn chung, Moody’s kết luận rằng kinh tế ASEAN sẽ tổn thương khi nhu cầu Trung Quốc sắp tới có thể giảm vì nước này đang trong quá trình tái cân bằng – đặc trưng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách chính sách, tự do hoá thị trường, và thắt chặt tín dụng.
Ngoại lệ Philippines
Trong số các nước ASEAN, theo bản báo cáo, Philippines dường như sẽ chịu ít tác động nhất của việc nền kinh tế Trung Quốc suy giảm. Trên thực tế, xuất khẩu của Philippines sang Trung Quốc đã giảm đáng kể trong cả thập kỷ qua. Philippines đã nổi lên như một hiện tượng tăng trưởng đặc biệt trong những năm gần đây và ngân hàng Thế giới (WB) cũng như nhiều tổ chức uy tín khác (IMF…) liên tục phải “nới” mức dự đoán tăng trưởng của nước này. Trong ba năm vừa qua, Philippines thậm chí đã dần “vượt mặt” Trung Quốc để trở thành nền kinh tế tăng trưởng bậc nhất thế giới. Nhu cầu tiêu dùng nội địa của Philippines đã tăng mạnh do cải cách cơ cấu và chu kỳ tín dụng tăng trưởng. Trong năm 2013, xuất khẩu của Philippines sang
Trung Quốc đã xuống dưới 3% tổng GDP nước này so với tỷ lệ 3% cách đây một thập kỷ.
Moody’s thậm chí còn cho rằng, việc kinh tế Trung Quốc suy giảm còn giúp chính Philippines khắc phục được những điểm yếu của nền kinh tế: “Philippines sẽ cảm nhận những tác động tích cực lan toả từ sức cầu suy yếu phía Trung Quốc, như giá cả hàng hoá trong nước sẽ thấp hơn và được kiểm soát tốt”.
Đúng vào ngày Moody’s công bố bản báo cáo này, tân đại sứ Trung Quốc nhậm chức tại Philippines vừa kêu gọi Manila thúc đẩy quan hệ kinh tế với Bắc Kinh hơn, và điều này có vẻ chẳng ăn nhập gì thái độ rất cứng rắn của Manila về Biển Đông.
ASEAN sẽ trụ vững nhờ “tự lực”
Cho dù phụ thuộc tương đối lớn vào đối tác thương mại Trung Quốc, nhưng triển vọng chung kinh tế ASEAN sẽ ổn định, theo nhận định của Moody’s. Một trong những lý do chính là tầng lớp trung lưu, trẻ, ngày càng đông ở các thành thị .
Theo WB, lực lượng lao động ASEAN sẽ tăng lên 16% từ năm 2012 tới 2025, tương đương với lực lượng khoảng 471,5 triệu người trong độ tuổi lao động (từ 15 – 64 tuổi) vào năm 2025, trong đó các thị trường như Lào, Philippines hay Campuchia sẽ tăng trưởng tới trên 20% (trong khi Việt Nam sẽ tăng chỉ khoảng 7%).
Với lực lượng trẻ này, cộng thêm với áp lực tiền lương ngày càng tăng tại thị trường Trung Quốc sẽ khiến cho dòng đầu tư của nước ngoài sẽ rút ra khỏi Trung Quốc và chuyển về ASEAN – và Campuchia, Việt Nam và Indonesia có thể hưởng lợi nhiều nhất.
Bản báo cáo hàng quý “Bên trong ASEAN” của Moody’s được coi như một đánh giá khách quan và độc lập và là tài liệu tham khảo hữu ích của các nhà hoạch định và đầu tư.
Những đánh giá của Moody’s về nội lực ASEAN có thể là một gợi ý cho các nhà lập chính sách và chủ doanh nghiệp. Họ cần xem xét lại thị trường nội địa, đánh giá xu hướng phát triển nguồn lực lao động, chọn nguyên vật liệu chính trong khu vực và xác định rõ thêm phân khúc khách hàng mục tiêu.