Dân Việt

Bộ trưởng Thăng: Ngành hàng không phải biết xấu hổ

Vinh Hải 11/07/2014 15:58 GMT+7
“Một khi ngành hàng không vẫn như hiện nay mà còn vui vẻ, vô cảm thì còn chậm hủy chuyến và không ai chịu trách nhiệm. Tôi một ngày không biết bao lần phải xin lỗi người dân vì việc này” - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói.

Sáng nay (11.7), ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT đã chủ trì cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không để làm rõ nguyên nhân, cách khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến bay. Ông Đinh La Thăng tỏ ra rất bức xúc về vấn đề này, ví tình trạng dồn chuyến máy bay giống như ô tô đi lòng vòng đón khách.

Bộ trưởng phải lo từ bát mỳ tôm

Ngay đầu cuộc họp, ông Đinh La Thăng đã khẳng định đây là vấn đề gây bức xúc của người dân hiện nay đối với dịch vụ hàng không. Ông Thăng bức xúc: “Phải cấm triệt để tình trạng dồn chuyến rồi lại nói dối là do thời tiết, kỹ thuật”.

Ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng nguyên nhân chậm chuyến, hủy chuyến có đến 90% chủ quan và 10% là khách quan. Đặc biệt,  có đến 50% số chuyến bị chậm, hủy có liên quan đến việc dồn chuyến, hủy chuyến vì lý do thương mại và cơ sở vật chất của cảng không đáp ứng được vào giờ cao điểm. Đồng thời việc thông tin cho khách hàng cũng chưa thỏa đáng, dẫn tới việc bức xúc khi phải chờ đợi.

img

VietJet Air hiện đang là hãng hàng không nội địa có tỉ lệ chậm, hủy chuyến cao nhất (ảnh lớn). Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh nhỏ)

Ông Thanh cũng nêu ngay một ví dụ về tình trạng chậm chuyến mới xảy ra ngày hôm qua. Theo đó, tàu bay của hãng hàng không Jetstar Pacific xuất phát từ sân bay Cam Ranh dự kiến cất cánh lúc 11h00 nhưng phải đến 19h30 mới khởi hành được, chậm đến 8 giờ so với kế hoạch bay. Phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan ông Thanh đánh giá 72,7% các vụ việc chậm, hủy chuyến do các hãng hàng không và các cơ quan liên quan, còn lại là khách quan thời tiết, sân bay, điều hành bay.

Ngay sau đó, ông Đinh La Thăng đã chất vấn Cục Hàng không Việt Nam: “Yếu tố chủ quan của toàn ngành chiếm đến 80 – 90% thì vai trò quản lý nhà nước ở đâu? Năm ngoái tỉ lệ thấp, năm nay máy bay thừa, sân bay đã sửa tại sao chậm, hủy chuyến nhiều hơn. Anh Thanh (ông Lại Xuân Thanh – PV) chưa nhìn thấy khuyết điểm của ngành hàng không thì chưa thể có giải pháp được”. Ông Thăng khẳng định: “Một khi ngành hàng không vẫn như hiện nay mà còn vui vẻ, vô cảm thì còn chậm hủy chuyến và không ai chịu trách nhiệm. Tôi một ngày không biết bao lần phải xin lỗi người dân vì việc này”.

Ông Lại Xuân Thanh đã nhận trách nhiệm khi cho biết Cục Hàng không chưa đi sâu tìm hiểu nguyên nhân chậm hủy chuyến để có khuyến cáo, yêu cầu cụ thể, bây giờ mới bắt đầu khởi động việc này.

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu việc đầu tiên cần làm để giảm chậm hủy chuyến là phải đổi mới toàn diện Cục Hàng không Việt Nam. Cục trưởng Cục Hàng không phải nhận trách nhiệm đến đâu, Cục phó trách nhiệm như thế nào, trách nhiệm của toàn bộ Cục Hàng không là gì? Ông Thăng cho rằng: “Đây là giải pháp số 1, phải thay đổi tư duy của Cục Hàng không. Có Cục Hàng không mà từ bát mỳ tôm đắt Bộ trưởng cũng phải lo thì Cục làm gì?”.

Chậm, hủy chuyến sao không bị phạt?

Phân tích thêm về tình trạng kể trên, Cảng vụ hàng không Tân Sơn Nhất đã tự nhận trách nhiệm khi phục vụ hành khách trong trường hợp chậm chuyến. Cảng vụ Tân Sơn Nhất cũng nêu ra bất cập là hiện chưa có chế tài xử phạt các hãng hàng không vì chậm, hủy chuyến.

Ông Đinh La Thăng đã đặt ngay vấn đề với Cục Hàng không Việt Nam: “Đấy là giải pháp của Cục Hàng không chứ ở đâu. Cứ để chậm hủy chuyến vô tư thế à? Tại sao không xử lý hành chính được? Phải căn cứ vào tình trạng chậm hủy chuyến để đánh giá năng lực các hãng hàng không”.

Đại diện các hãng hàng không cũng đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ có giải pháp để hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến. Ông Phạm Ngọc Minh – Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “Trung bình một ngày hãng bay 400 chuyến, chậm khoảng 40 chuyến ảnh hưởng đến khoảng 6.000 hành khách. Chúng tôi đã chủ động tính toán việc đó, bố trí lịch bay khoa học. Điều hành khách cần là hàng không đúng giờ chứ không phải xin lỗi, đền bù”.

Ông Lưu Đức Khánh – Giám đốc điều hành hãng Vietjet Air cũng nhận trách nhiệm khi là hãng hàng không nội địa có tỉ lệ chậm, hủy chuyến cao nhất. Ông Khánh khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm mọi cách để đưa tỉ lệ bay về đúng giờ. Hãng sẽ dành một máy bay để làm phương án dự phòng”. Trong khi đó, đại diện hãng Jetstar Pacific hứa sẽ phấn đấu giảm 85% tỉ lệ chậm, hủy chuyến vào cuối năm nay.

Đừng đổ hết lỗi cho các hãng

Ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá: “Tình trạng chậm hủy chuyến, dồn chuyến hết sức nghiêm trọng, diễn ra phổ biến và thường xuyên ở các hãng, năm nay cao hơn năm trước. Phải ý thức được rằng, dù là hãng hàng không nào thì cũng đều mang thương hiệu Việt Nam để phải thấy xấu hổ khi tình trạng chậm, hủy chuyến nhiều như vậy”.

Ông Thăng chỉ thẳng trách nhiệm của các Cục, Vụ, thuộc Bộ GTVT rồi đến các TCty Cảng, TCty Quản lý bay: “Còn vô cảm, còn bàng quan chỉ coi đây là trách nhiệm của các hãng thì chưa thể khắc phục được. Nguyên nhân đưa ra chỉ đổ lỗi hết cho các hãng, cho thấy chưa vì người dân, vì lợi ích khách hàng, thiếu sự tôn trọng khách hàng”.

Ông Thăng yêu cầu Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và các bên liên quan phải kiểm điểm rõ trách nhiệm về nguyên nhân chậm, hủy chuyến. Xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của những người liên quan, trong đó có vai trò của Tổng giám đốc Cty Quản lý bay, liệt kê vi phạm bao nhiêu lần trong việc điều hành bay sai.

Ông Thăng cũng chỉ rõ nhận thức của Cục Hàng không về tình trạng này còn thờ ơ, vô cảm, chưa thấy đó là trách nhiệm của mình. Vụ vận tải có trách nhiệm trong việc thiếu kiểm tra, đôn đốc.

Người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu đưa ngay những bất cập hiện nay để sửa Luật Hàng không, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc để chất lượng dịch vụ kém. Nội dung chậm, hủy chuyến phải đưa vào và có chế tài xử lý. Ông Thăng cũng cho biết: “Sẽ đề nghị Chính phủ cho sửa Nghị định, Bộ GTVT cũng sẽ ban hành Thông tư liên quan để phải có người chịu trách nhiệm, không thể để hòa cả làng như hiện nay. Chỉ có hành khách chịu khổ”.

Ngay trong thời gian tới, ông Thăng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam thực hiện ngay việc giám sát chậm, hủy chuyến trong quý III. Cụ thể, Vietjet Air tháng 7 – 8 phải giảm 50% chậm, hủy chuyến, tháng 9 phấn đấu 95% chuyến bay đúng giờ; Jetstar Pacific tháng 7 – 8 giảm 50%, đến tháng 11 phải đạt 95% chuyến bay đúng giờ; Vietnam Airlines phải phấn đấu đạt như năm 2013.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm tỉ lệ chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng là 25%, trong đó: Viejet Air là 51% (chậm chuyến 48,4%), Jestar Pacific là 50% (chậm chuyến 46,6%) và Vietnam Airlines 14% (chậm chuyến 11,8%), Vasco là 17%. Đây là con số khá cao và gây ảnh hưởng lớn đối với chất lượng phục vụ hành khách.