Dân Việt

Nghịch lý mua - bán cá ngừ đại dương: Khi ngư dân thua thiệt vì thương lái

14/07/2014 06:32 GMT+7
Mỗi chuyến đi biển câu cá ngừ đại dương, ngư dân tỉnh Phú Yên đầu tư cả trăm triệu đồng. Đến khi vào bờ họ luôn chịu thua thiệt vì giá cá lại phụ thuộc vào thương lái. Nghịch lý này đã và đang kéo dài nhiều năm nay.

Tàu cá của ông Nguyễn Văn Hùng, ở phường 6, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên sau gần 1 tháng từ vùng biển Trường Sa trở về mang theo gần 2 tấn cá ngừ đại dương. Vừa cập cảng cá, ông Hùng hết sức lo lắng khi giá cá ngừ rớt từ 140.000 đồng xuống còn 125.000 đồng/kg loại 1.

Gần cả tháng bám biển, tiền bán cá chưa tới 200 triệu đồng, vừa đủ trang trải phí tổn, tiền chia cho bạn chài không được bao nhiêu. Ông Hùng cho biết, chuyện ép giá xảy ra thường xuyên tại các cảng cá ở Nam Trung Bộ.

“Tại Khánh Hoà hoặc Bình Định có nhiều chủ đầu nậu cạnh tranh bằng giá thu mua nên giá có cao hơn, nhưng tại Phú Yên chủ nậu mua cá ít, họ ép giá, tùy ý tăng giảm giá rồi dùng đủ lý do để o ép ngư dân”, ông Hùng cho biết.

 img

Cá ngừ đại dương luôn bị tư thương ép giá. (Ảnh: Internet)

Tại tỉnh Phú Yên, hiện các doanh nghiệp không trực tiếp mua hải sản mà thông qua đại lý thu mua ở cảng. Tại cảng cá phường 6, nơi tập trung hàng trăm tàu đánh bắt cá ngừ cũng chỉ có 5-6 đại lý thu mua. Khi tàu về đến cảng, các thương lái đánh giá chất lượng cá theo kiểu thủ công là dùng que đâm vào thịt cá, sau đó tìm mọi cách để o ép ngư dân.

Ông Cao Văn Lộc, nhân viên Cảng cá phường 6, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, ngư dân rất bức xúc với cách đánh giá chất lượng cá như thế này nhưng vì lênh đênh trên biển gần cả tháng trời buộc ngư dân phải bán cá ngay khi về bờ.

“Với những con cá ngư dân mới câu được, chủ nậu cầm những cái xăm chích thử con cá, họ nói đây loại 1, người bán phải nghe là loại 1, họ nói loại 2 người bán phải nghe loại 2 thành ra người dân ấm ức và bức xúc”, ông Lộc nói.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, gần 2 năm nay, sản lượng cá tăng bao nhiêu thì ngư dân bị o ép giá bấy nhiêu. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là chưa có sự gắn kết giữa ngư dân, đại lý và doanh nghiệp.

“Chúng ta chưa tổ chức được mô hình đánh bắt và tiêu thụ theo chuỗi. Khi cá ngừ được tiêu thụ tốt sẽ nâng cao chất lượng con cá. Nhiều khi năng lực tiêu thụ và chế biến cá không tốt đã khiến người thu mua cá hời hợt, giá cá bấp bênh, giảm chất lượng cá”, ông Phương nhận định.

Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại các địa phương ven biển miền Trung. Với Đề án này, hy vọng sẽ bớt đi nỗi lo cho ngư dân, giúp bà con yên  tâm bám biển.