Năm 2010, cây thanh long lần đầu tiên Bắc tiến, những ngày đầu làm quen với cây trồng mới khiến người nông dân miền Bắc vốn chỉ quen với cây lúa, ngô, khoai, sắn… không khỏi bỡ ngỡ. Mà bỡ ngỡ là phải, nhưng họ đã thích ứng rất nhanh.
Từ sự bỡ ngỡ, họ đã dần làm quen và bây giờ đã làm chủ được cây thanh long, bằng cánh có thể “ép” cho chúng ra mầm, hoa, quả theo ý của mình.
Nếu từ lúc năm 2010 cả miền Bắc mới chỉ có 3 tỉnh trồng thanh long, với diện tích vỏn vẹn 30ha, thì nay đã có 21 tỉnh trồng, với diện tích hơn 800ha.
Một số tỉnh có diện tích thanh long lớn như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa.
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, chuyên đề “Phát triển cây thanh long ở các tỉnh miền Bắc” ngày 11.7 tại Vĩnh Phúc, tiến sĩ Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, sau 4 năm đưa cây thanh long, đặc biệt là thanh long ruột đỏ ra các tỉnh phía Bắc, có thể khẳng định đây là định hướng đúng và trúng.
Điều này được khẳng định bằng giá trị kinh tế của giống cây mới này. Tiến sĩ Thông nhấn mạnh: “Quả thanh long có thể ăn tươi, hoặc chế biến ra các sản phẩm khác như rượu, nước uống, bánh kẹo… với giá trị đạt 200 – 300 triệu đồng/ha/năm, cây thanh long có giá trị cao hơn rất nhiều cây trồng khác mà bà con các tỉnh phía Bắc đang trồng”.
Tại diễn đàn, người dân đã đưa ra rất nhiều câu hỏi về giống, cách chăm sóc, trị bệnh, thị trường tiêu thụ và chính sách hỗ trợ… Đa số các câu hỏi đã được các nhà khoa học, ban ngành chuyên môn, lãnh đạo các địa phương trả lời thỏa đáng.
Ví dụ, một nông dân hỏi: “Cách khắc phục quả thanh long khi chín, bị nứt đầu quả, dọc quả? Câu hỏi này đã được ông Nguyễn Tuấn Hùng – Chủ tịch Hội Làm vườn Vĩnh Phúc trả lời: “Đây là bệnh sinh lý của quả thanh long, nứt là do sự phát triển của vỏ không tương thích với ruột. Để khắc phục, cần bổ sung nước thường xuyên cho cây, tranh tưới nước trực tiếp vào hoa”.
Hay câu hỏi của ông Nguyễn Văn Thành, xã Vân Trục: “Cách khắc phục kiến vẽ bùa trên quả thanh long”. Câu hỏi này, đã được đại diện Viện Rau quả Trung ương trả lời rằng: “Có thể dùng thuốc diệt kiến phun quanh gốc thanh long, bẫy kiến (trộn mỡ, đường, hóa chất) để tiêu diệt kiến, dọn sạch sẽ thực bì tạp không cho kiến có nơi trú ẩn…”.