Học xong lớp 12, chị Tấm đi học nghề may ở Trường Cao đẳng nghề Long Biên rồi đi làm công nhân. Năm 2004, chị lập gia đình với anh Hà Minh Hùng, ở thôn 3, xã Thiệu Viên (Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Cưới xong, chị xin vào làm việc ở Công ty May 10 tại xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) cách nhà hơn chục cây số. Có tay nghề vững, chị được làm tổ trưởng quản lý hàng trăm công nhân.
Tuy nhiên, do đặc thù công việc, chị hay đi làm về muộn; chồng chị thường xuyên phải xa nhà nên ảnh hưởng tới việc chăm sóc con cái và gia đình. Chị bàn với chồng mở xưởng may, đào tạo nghề cho chị em và thanh niên trong xóm.
Đề xuất của chị được chồng ủng hộ. Ban đầu, xưởng may của chị có 7 máy may. Chị nhận những đơn hàng nhỏ về làm. Làm có uy tín, đơn hàng ngày càng nhiều, chị vay vốn, thuê mặt bằng và thành lập Công ty May xuất khẩu Quang Hùng 0580. Công ty của chị thu hút 31 lao động, chủ yếu là phụ nữ với mức lương 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Chị Tấm cho biết, công ty của chị đang ký hợp đồng với đối tác Sam Sung (Hàn Quốc) để sản xuất áo khoác jacket. Hiện, công ty chuẩn bị xuất khẩu 1.000 chiếc áo khoác sang thị trường Hàn Quốc.
“Xã Thiệu Viên là một xã nghèo thuần nông nên việc dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương là vấn đề chính quyền rất trăn trở. Từ khi có Công ty May xuất khẩu Quang Hùng 0580 đã giải quyết việc làm, dạy nghề cho nhiều chị em trên địa bàn. Không chỉ vậy, chị Tấm rất tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương, đặc biệt là công tác xóa đói, giảm nghèo”.
“Vợ chồng tôi có kế hoạch sẽ thuê thêm mặt bằng, vay vốn mở rộng cơ sở may để tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương”.