Dân Việt

Ăn xin không bao giờ đủ

Đỗ Đức 14/07/2014 13:18 GMT+7
“Kin so bấu đo” là câu ngạn ngữ của người Tày nhắc con cháu rằng- ăn xin không bao giờ đủ. 

Nghe đơn giản và dễ hiểu, ai cũng có thể hiểu. Đó là lời nhắc lớn cho mỗi người, mỗi nhà, mỗi cộng đồng, thậm chí cho cả một dân tộc. 

Lời nhắc về tính tự cường, tự lực. Chỉ có như vậy mới đứng thẳng lưng, mới không bị coi thường, mới hưng thịnh được. Ăn xin hay quen vay mượn mãi mang tâm lý dựa dẫm, quen dần thói bóc ngắn cắn dài, chỉ biết hôm nay, không biết có ngày mai. Khi người ta cho, là rủ lòng thương hại, chẳng được là bao nhưng mang ơn suốt đời. Ăn nói trước họ cứ phải cúi đầu. Còn chuyện vay thì còn tệ hơn.

Khi vay được tiền thì hỉ hả. Nhưng đồng tiền vay tiêu thì dễ, khi trả thì khó vô cùng. Không biết ai vay mượn nghĩ thế nào chứ với tôi, vay mượn chính là cực chẳng đã, là tự chui đầu vào cái thòng lọng. Biết nó nguy hiểm, nó sẽ siết dần vào cổ mình. Khi đã vay mượn, là chịu lụy rồi, thành ra luôn luôn phải “đi nhẹ, nói khẽ” trước cái sai, thậm chí trước cái tàn nhẫn của chính chủ nợ.

Đồng tiền sai khiến con người là vậy, vì nó là cái thòng lọng. Nợ người có khác gì đứng dưới giá treo cổ. Phải biết sợ là vừa. Những năm xa quê, ra ngoài làm ăn, bản thân tôi vắt óc suy nghĩ cách làm hết việc này sang việc khác trong khả năng của mình. Có tiền, về quê nghèo, thương em và con cháu, bớt đồng tiền ra giúp, nhưng mười đi không một về, vì phần lớn ỷ lại tình gia đình, nên đến hẹn đứa hiểu biết thì khất, đứa thì ì ra, coi như không nhớ.

Vì là ruột rà máu mủ cũng phải chậc lưỡi cho qua. Nhưng đứa em tôi có lần đi vay người ngoài, quen thói chây ì, bị chủ nợ vào bắt lợn trong chuồng mà không dám làm gì. Đem việc nhà ra so việc nước, khi nghe nợ công của đất nước lên đến tầm báo động, tôi thấy ái ngại vô cùng. Khi cần chủ nợ chắc cũng xiết nợ chứ không thể làm ngơ.

Nợ luôn là điều đáng lo của cả một đất nước. Vậy xin nhắc lại câu ngạn ngữ này với tất cả những ai có trách nhiệm câu ngạn ngữ này tuy nhỏ nhưng tầm của nó lớn vô cùng: “Kin so bấu đo”.