Tham dự chuyến đi có các nhà văn, nhà thơ, nhà báo đến từ các cơ quan báo, đài: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng Nói Việt Nam, Báo Phụ Nữ Việt Nam, Báo Người Cao Tuổi, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Văn Nghệ Trẻ.
Càng đi càng thấy tự hào
Đến 2 địa phương trọng điểm về nông nghiệp của miền Bắc là Nam Định, Thái Bình, các tác giả đã được trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với những người nông dân tiêu biểu, mà chỉ mới nghe nói đến doanh số của họ thôi, nhiều người đã cảm thấy tự hào. Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng (Báo Người Cao Tuổi) cho biết: “Cuộc thi Tự hào Nông dân Việt Nam mà Báo NTNN phát động rất có ý nghĩa để tôn vinh, cổ vũ những gương nông dân điển hình, tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp hiện nay”.
Sau khi tiếp xúc và gặp gỡ với một số chân dung tiêu biểu, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng xúc động nói: “Trong chuyến đi thực địa mà Báo NTNN tổ chức, tôi rất cảm phục ý chí vươn lên làm giàu của vợ chồng chị Trần Thị Mai ở xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu, Nam Định. Mặc dù chị bị mắc bệnh tim, nhưng vượt qua bệnh tật, chị đã tìm cho mình được hướng làm giàu nhờ nuôi lợn siêu nạc, kết hợp với việc bán thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó, chị không chỉ có tiền để mổ tim, mà còn xây nhà, nuôi con học đại học”.
Là một nhà báo nhiều năm gắn bó lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nhà báo Thế Dương (Đài Truyền hình Việt Nam) cho hay, Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” là một “sân chơi” rất hay, không chỉ nhằm tuyên dương các cá nhân nông dân có thành tích xuất sắc trong sản xuất, khích lệ họ tiếp tục phấn đấu để làm giàu cho bản thân, cho quê hương mình, mà với những người nông dân điển hình được biểu dương trên báo sẽ là tấm gương sáng giúp nhiều nông dân nữa trong cả nước học tập và làm theo.
Nhà báo Thế Dương cho biết, những chuyến đi thực tế về với bà con nông dân như thế này rất bổ ích. “Gặp gỡ những cá nhân, nông dân xuất sắc không chỉ hiểu thêm cách nông dân đó làm giàu như thế nào, mà còn cần hiểu về cuộc sống của họ. Trong chuyến đi này, tôi đã được gặp và trò chuyện với 3 nông dân chuyên làm thủy sản, mới thấy hết được nỗi gian truân, khó khăn mà họ vượt qua mới có được kết quả là những doanh số tiền tỷ hôm nay”.
Thành tỷ phú từ những con lợn, con tôm
Sở hữu cơ ngơi là một trang trại rộng 3,5ha có trị giá hơn 10 tỷ đồng với 3.000 con lợn thịt siêu nạc, hàng ngày anh nông dân Phạm Đức Duy (thôn Trưng Vương, xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, Thái Bình) chỉ việc “sơ vin, áo trắng cổ cồn” đi lại từ khu chuồng nọ sang khu chuồng kia để chỉ đạo hơn 10 công nhân làm việc. Đó là hình ảnh về một nông dân tỷ phú, hiện đại đúng nghĩa mà chúng tôi được chứng kiến. Mới tiếp xúc với anh Duy, nhà báo Vân Phúc (Báo Sài Gòn Giải Phóng) cứ tưởng anh này là kỹ sư hay giám đốc gì đó.
Nhà báo Vân Phúc chia sẻ, qua câu chuyện với anh Duy, được biết anh vốn làm đủ thứ nghề, kể cả buôn bán xe máy, nhưng cuối cùng anh này vẫn quyết định về quê dựng trại nuôi lợn. Theo anh Duy, thì trừ hết chi phí mỗi năm anh thu lãi tới 1,8 tỷ đồng. Đúng là qua những chuyến đi như thế này, mới biết thêm được rằng làm nông nghiệp cũng có rất nhiều cơ hội để trở thành tỷ phú. Trước con số đó, nhà báo Vân Phúc không khỏi giật mình và nói vui: “Thế này, có khi gác lại nghề viết báo đi làm nông mới giàu được”.
Nhà thơ Lương Ngọc An – Thư ký Tòa soạn Báo Văn Nghệ Trẻ khi gặp anh nông dân Cao Văn Chúng (xã Hải Nam, huyện Hải Hậu, Nam Định) và được biết mỗi năm anh thu lời tới 1 tỷ đồng từ nghề nuôi tôm đã vui vẻ chia sẻ: “Có lẽ, tôi phải làm thơ đến 30 năm mới bằng một năm ông nuôi tôm”.
Theo nhà thơ Lương Ngọc An: Chân dung về những nông dân tiêu biểu trong làm giàu từ sản xuất nông nghiệp còn rất nhiều, nên tôi rất hy vọng với chức năng là một trong những tờ báo chuyên về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Báo NTNN cần thường xuyên có những bài viết thực tế tuyên dương những gương nông dân điển hình, tiên tiến trong sản xuất kinh doanh nhiều hơn nữa.
“Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” là một cuộc thi hay và chuyến đi thực tế thăm, tìm hiểu thực tế các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi điển hình như thế này theo tôi là rất cần thiết, để từ đó giúp Ban giám khảo cuộc thi và các phóng viên báo, đài hiểu thêm hơn nữa về cuộc thi, cũng như gặp nông dân để hiểu hơn về họ”.
Nhà văn Văn Chinh- thành viên Ban giám khảo Cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam chia sẻ: “Những chuyến đi như thế này là rất thiết thực và bổ ích để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc thi. Bởi chỉ có đi như thế, các tác giả mới có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ nhiều hơn với những người nông dân tiêu biểu. Từ đó, có các bài báo xuất sắc để tham dự cuộc thi”.