UBND Hà Nội vừa hoàn tất dự thảo chương trình nhà ở giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó đưa ra chỉ tiêu diện tích nhà ở theo diện thu nhập cao, trung bình và thấp.
Với nhà thương mại, trong 3 năm tới, Hà Nội dự kiến tạm dừng, chưa xem xét một số dự án và rà soát các dự án hiện có để phân loại xem dự án nào được thực hiện. Hà Nội cũng tiếp tục quản lý quỹ đất 20% trong dự án nhà thương mại để xây dựng nhà xã hội và áp dụng tỷ lệ chung cư đạt 87%, nhà cho thuê đạt 25% trong các dự án phát triển nhà.
Sau năm 2015, thành phố tiếp tục phát triển nhà ở thương mại với tỷ lệ chung cư đạt 89%, nhà cho thuê đạt 30% tại các dự án.
Hà Nội phát triển ồ ạt các khu đô thị mà thiếu kiểm tra, kiểm soát các hạng mục dự án |
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến giữa năm 2012, kiểm tra tại 16 dự án nhà ở trên địa bàn có khoảng 655 biệt thự, 574 nhà liền kề và 174 căn hộ chung cư chưa đưa vào sử dụng.
Tại hội nghị góp ý kiến về chương trình phát triển nhà của TP Hà Nội ngày 12/6, nhiều chuyên gia bày tỏ lượng nhà thương mại bị tồn đọng quá lớn, trong khi thiếu nhà cho người thu nhập thấp, gia đình chính sách, người nghèo.
GS.TS Phạm Ngọc Đăng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng, cho rằng thời gian qua, nhiều chủ đầu tư không chủ ý xây dựng nhà cho thuê, nhà xã hội cho người thu nhập thấp mà chủ trương xây nhà thương mại để "kiếm lời nhanh". Do đó, diện tích nhà tăng lên song điều kiện sống của nhiều người dân không tăng, chênh lệch giàu nghèo khá lớn.
GS Đăng cũng cho rằng, hiện nay mỗi năm Hà Nội chỉ xây dựng thêm 1,5 đến 2 triệu sàn m2 nhà ở mà đã có tình trạng nhà bị ế. Do vậy, kế hoạch đề ra tăng 6 triệu m2 nhà ở mỗi năm đến năm 2020 là không hợp lý. Ông cũng yêu cầu Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ đầu tư không xây dựng hạ tầng trước khi đưa dân vào ở, bởi hiện nay chỉ có khoảng 10% khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải, trường học, nhà trẻ...
TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, cũng nêu thực trạng Hà Nội phát triển khu đô thị dàn trải với 400 khu đô thị. Sau khi thành phố mở rộng đã có hơn 800 dự án nhà với quỹ đất 108.000 ha được xem xét đầu tư. Tuy nhiên, ông Nghiêm chưa đồng tình với việc dừng phát triển nhà thương mại mà cho rằng, thành phố nên rà soát để phát triển nhà thương mại ở những đô thị vệ tinh và đưa yếu tố xanh, văn hiến, bền vững vào phát triển nhà ở.
Ngoài ra, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần đổi mới phương thức xây dựng và quản lý nhà cho thuê để thu hút doanh nghiệp đầu tư loại hình này và người thuộc diện ở nhà xã hội là phải thuê nhà. Ông dẫn chứng ở Đức có hơn 50% người dân ở nhà thuê dù kinh tế nước này phát triển. Bên cạnh đó, nhà ở của 3 triệu dân nông thôn đến năm 2020 chưa được đưa vào chương trình nhà ở, đây là vấn đề cần giải quyết bởi hiện nay có 11% nhà nông thôn là tạm bợ, thiếu kiên cố.
Cho biết đã đi đến các khu tập thể cũ, ký túc xá, trang trại, biệt thự..., ông Phạm Lợi, nguyên chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Hà Nội, thấy rằng điều kiện ở của nhiều người dân rất thấp. Ông cho rằng, Hà Nội cần có phương hướng phát triển rõ ràng cho từng đối tượng để xóa tình trạng "kẻ ăn không hết, người lần không ra". Ông cũng yêu cầu đưa kế hoạch cải tạo nhà chung cư vào chương trình nhà ở và quyết tâm thực hiện, bởi HĐND thành phố từng ra nghị quyết về cải tạo nhà chung cư song dự án được thực hiện rất ít.
Chương trình nhà ở đến năm 2020 sẽ được UBND Hà Nội trình HĐND thành phố trong kỳ họp đầu tháng 7.